Tái hiện chiến thắng biên giới năm 1950

- Thứ Hai, 28/09/2020, 15:33 - Chia sẻ
Hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bài viết tiêu biểu được trưng bày nhằm tái hiện chiến thắng biên giới năm 1950. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi và để lại những bài học quý báu.

Hình ảnh Bác - sợi chỉ đỏ xuyên suốt

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu bản đồ tác chiến; Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ chân trên đường đi chiến dịch; thư Người gửi bộ đội và du kích kêu gọi thi đua lập công trong chiến dịch; thư Người gửi lời cảm ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng tham gia sửa đường, vận tải, giúp đỡ bộ đội; Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ Đại đoàn 308 trong đợt tổng kết chiến dịch tại Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng… Đó là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu khái quát về hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia chiến dịch biên giới năm 1950…

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Biên giới (1950)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch biên giới (1950)

Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật đó nằm trong phần thứ nhất của triển lãm chuyên đề “Chiến thắng biên giới năm 1950”, khai mạc sáng 28.9 (kéo dài đến ngày 20.10), tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức. Triển lãm gồm 3 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch biên giới năm 1950; Chiến dịch biên giới năm 1950 - Bước ngoặt lịch sử; Viết tiếp chiến công. 

Nội dung phần 1 phác họa hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc gắn với những dấu mốc của Chiến dịch biên giới năm 1950 cũng nhằm hiện thân cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc. Trong những ngày chuẩn bị Chiến dịch biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên ra lời kêu gọi và viết thư động viên, khen ngợi bộ đội, thương binh và nhân dân cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ để giành thắng lợi. Tin Bác ra mặt trận đã cổ vũ, động viên bộ đội và nhân dân tích cực, hăng say vạn chuyển vũ khí, lương thực ra trận, quyết tâm thi đua lập công giết giặc. Sau chiến thắng, Bác đi thăm thương binh, thăm bộ đội, thậm chí Người còn trò chuyện tìm hiểu tâm tư của những viên chỉ huy Pháp thất trận. Người cũng có thư gửi tù binh, sĩ quan và binh lính Pháp được hồi hương về nước tháng 10.1950…

Một góc trưng bày triển lãm "Chiến thắng Biên giới năm 1950"
Một góc triển lãm "Chiến thắng Biên giới năm 1950"

Hình ảnh Bác như sợi chỉ đỏ xuyên suốt những chặng đường chiến dịch. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết về chặng đường chiến dịch cảm xúc trong bài thơ “Theo chân Bác”: “Thương sao, sáng lên đường ra trận/ Người đến thăm ta, vượt lũ nguồn/ Nhớ sao giữa chiến trường lửa đạn/ Người đứng trông ta đánh diệt đồn”.

Nhiều tài liệu, hiện vật giá trị

Lật ngược trang sử, trở về những ngày tháng 6.1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch biên giới. Chiến dịch nêu rõ mục đích: Giải phóng dân, mở rộng căn cứ địa cách mạng và hành lang giao thương quốc tế; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước trưởng thành từ du kích chiến tiến lên chính quy; đồng thời ngăn chặn kế hoạch bình định mở rộng vùng kiểm soát và tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Lực lượng gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và 209 và một số tiểu đoàn độc lập của Cao Bằng, Lạng Sơn, Liên khu Việt Bắc, đại đội pháo, công binh, bộ đội địa phương, dân công mở đường.

Những hiện vật tinh thần khắc phục mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo chiến đấu của quân và dân ở Mặt trận Cao - Bắc - Lạng
Những hiện vật gắn với cuộc chiến đấu của quân và dân ở Mặt trận Cao - Bắc - Lạng

Chiến dịch biên giới diễn ra từ ngày 16.9 - 14.10.1950 và giành thắng lợi to lớn. Hành trình chiến thắng như còn in dấu trên những hình ảnh, tài liệu, hiện vật lưu giữ đến nay. Như sơ đồ vùng V2 của Trung đoàn 174 sử dụng trong kế hoạch đánh hai Binh đoàn Lơ Pagiơ và Charton, và sơ đồ tác chiến Pháo binh của khẩu đội pháo Trung đoàn 174 sử dụng trong cuộc tiến công tiêu diệt đồng Đông Khê - trận chiến đấu mở màn trong chiến dịch giải phóng biên giới 1950. Như chiếc máy thu phát MP15 của Bộ đội Thông tin dùng liên lạc trong Chiến dịch… và những hình ảnh dân công vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ Chiến dịch biên giới, những hình ảnh dân công sửa đường, bộ đội tiến công pháo đài… Tất cả khẳng định nội lực chiến thắng được xây đắp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo chiến đấu của quân và dân ở Mặt trận Cao - Bắc - Lạng cùng cả nước.

Sơ đồ tác chiến Pháo binh của khẩu đội pháo Trung đoàn 174
Sơ đồ tác chiến pháo binh của khẩu đội pháo Trung đoàn 174

Thắng lợi của Chiến dịch biên giới đã chứng minh tính đúng đắn đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính của Đảng và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng biên giới năm 1950 vẫn còn nguyên giá trị.

Khách thăm quan triển lãm "Chiến thắng Biên giới năm 1950" - Ảnh: Trường Giang

Bởi vậy, theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trung tá Nguyễn Thành Lê, tổ chức triển lãm Chiến thắng biên giới năm 1950 trong những ngày này chính là một hoạt động thiết thực góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, truyền thống đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thái Minh