Tài chính kỹ thuật số - chìa khóa phát triển hậu đại dịch

- Thứ Hai, 07/09/2020, 07:25 - Chia sẻ
Sau nhiều thập kỷ bất bình đẳng gia tăng và đầu tư không bền vững, thế giới đang có các công cụ và bí quyết cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững và bao trùm. Một trong số đó chính là tài chính kỹ thuật số. Với những ưu việt đã được chứng minh, đây có thể trở thành hệ thống tài chính phục vụ con người trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19.

“Chúng ta đang trải qua sự sụt giảm mạnh nhất về thu nhập bình quân đầu người kể từ năm 1870”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres chỉ ra trong một bài phát biểu gần đây. Ông đồng thời cảnh báo, cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến 70 - 100 triệu người trước nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Để ngăn chặn nguy cơ này đòi hỏi phải phối hợp hành động một cách toàn diện, tái khởi động và xây dựng nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững, bao trùm. Công nghệ - cụ thể là các công cụ tài chính kỹ thuật số mới - có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Đơn giản hóa giao dịch

Trong đại dịch Covid-19, các dịch vụ kỹ thuật số - từ y tế từ xa, làm việc từ xa, đến học tập trực tuyến - đã trở thành cứu cánh cho hàng triệu người bị phong tỏa và giãn cách xã hội. Tương tự như vậy, tài chính kỹ thuật cũng đã chứng tỏ sự ưu việt khi hỗ trợ rất lớn cho quá trình này. Các dịch vụ của tài chính kỹ thuật số cho phép mọi người thanh toán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, nhận thù lao, tiếp cận các khoản trợ cấp xã hội, thậm chí hỗ trợ tài chính bảo đảm, như các khoản vay ngân hàng, cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, nhu cầu khai thác sức mạnh của tài chính kỹ thuật số ngày càng được khẳng định. Trên thực tế, đây là mục tiêu trọng tâm của Nhóm Làm việc về tài chính kỹ thuật số cho các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.

Nhóm này bao gồm các bộ trưởng, doanh nhân công nghệ, giám đốc điều hành ngân hàng và tổ chức đầu tư, đại diện xã hội dân sự, quan chức các tổ chức đa phương và giới trí thức. Báo cáo cuối cùng của nhóm mang tên “Tiền của người dân: Khai thác tài chính kỹ thuật số để phục vụ tương lai bền vững”, sẽ tập trung vào nhu cầu của những người dân bình thường.

Báo cáo kết luận rằng, hệ thống tài chính phải phục vụ từng công dân, với tư cách là người tiết kiệm, nhà đầu tư, người đi vay và người nộp thuế. Hệ thống này phải tận dụng công nghệ kỹ thuật số để đưa mọi người trở lại vị trí làm chủ tài chính của họ, để họ có thể đầu tư vào bản thân và gia đình, cộng đồng, quốc gia và hành tinh. Các chính phủ, cơ quan quản lý và tổ chức tài chính nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, làm quen và dần dần thích ứng với mô hình tài chính mới này.

Trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi và Mỹ Latin đã cho thấy những mô hình hữu ích về tài chính trực tuyến. Kenya là một trong những nước đi đầu đón nhận công nghệ tài chính, bắt đầu với “tiền di động” (mobile-money). Năm 2007, nhận thấy 8/10 người dân Kenya có điện thoại di động, nhà vận hành mạng di động Vodafone tại Kenya (sau đó được thương mại hóa bởi công ty con là Safaricom) đã đề xuất Ngân hàng Trung ương Kenya (CBK) xây dựng và phát triển mô hình M-PESA. Ban đầu, M-PESA được thiết kế để giúp đỡ người dân hoàn trả các khoản vay bằng điện thoại di động, giúp giảm chi phí xử lý tiền mặt, từ đó giảm lãi suất.

Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, M-PESA đã được mở rộng để trở thành mô hình chuyển tiền.  Đến cuối năm 2018, 30 triệu khách hàng đã sử dụng Mobile-Money để thực hiện các giao dịch thanh toán với giá trị giao dịch đạt tới 78,5 tỷ USD; qua đó, nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính từ 26% năm 2006 lên gần 83% năm 2018.

Các cơ quan chính phủ Kenya cũng đã chấp nhận thanh toán trực tuyến - một bước phát triển giúp nâng cao niềm tin của công chúng vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Ngày nay, hơn 90% các khoản thanh toán trên nền tảng chính phủ điện tử tập trung của Kenya (eCitizen) liên quan đến tiền di động. Sự đổi mới do chính phủ và ngân hàng trung ương hỗ trợ và cách tiếp cận vừa học vừa làm đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến bộ này.

Khai thác nguồn tài chính trong dân

Tháng 3.2017, Kenya cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán trái phiếu chính phủ thông qua điện thoại di động (có tên gọi M-Akiba), đối tượng nhắm tới là người dân bình thường. Không giống như trái phiếu chính phủ hiện có, yêu cầu mua tối thiểu 50.000 KES (460 USD), M-Akiba cho phép công dân đầu tư từ 30 USD. Kết quả là, thị trường vốn của Kenya đã trở nên dễ tiếp cận đối với người dân nói chung, trong khi chính phủ tìm được nguồn lực từ các nhà đầu tư hoàn toàn mới. Không ngạc nhiên khi 85% người đầu tư vào đợt chào bán M-Akiba ban đầu đều lần đầu tiên mua trái phiếu chính phủ.

Mặc dù Kenya - cũng như một số quốc gia châu Phi khác như Rwanda, Nam Phi và Seychelles - đã đạt được những bước tiến lớn trong việc nắm bắt cơ hội từ công nghệ tài chính, song vẫn còn chặng đường dài phía trước. Vào thời điểm mà các nền kinh tế ngày càng trở nên gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau và các mô hình kinh doanh kỹ thuật số đòi hỏi quy mô kinh tế phát triển mạnh, việc tạo ra các hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số khu vực, thậm chí toàn cầu là cần thiết. Ngân hàng Trung ương Kenya đang đóng vai trò chủ đạo trong quá trình này. Phối hợp với Cơ quan Tiền tệ Singapore, Kenya đang tìm cách thúc đẩy lĩnh vực công nghệ tài chính sôi động trải dài khắp châu Phi và châu Á.

Lĩnh vực đó càng năng động và mở rộng thì càng mang lại lợi ích rộng lớn cho các nhóm dân cư tương ứng. Cứ tưởng tượng, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn không có điều kiện mở tài khoản ngân hàng thì việc lôi kéo họ vào một hệ thống tài chính thông qua điện thoại di động sẽ là phương thức đột phá. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, giúp tạo ra nhiều việc làm hơn, hạn chế tình trạng bất bình đẳng kinh tế và nghèo đói. Sự tham gia của nhóm dân cư này vào hệ thống tài chính kỹ thuật số cũng giúp họ mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng, y tế, nước sạch… từ đó, cải thiện sức khỏe cộng đồng cũng như thúc đẩy phúc lợi xã hội.

Hơn nữa, việc thúc đẩy năng lực tiết kiệm của các hộ gia đình sẽ giúp tạo ra nhiều vốn đầu tư hơn, có thể sử dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Tài chính kỹ thuật số kết nối con người, tiền bạc và dữ liệu giúp mở khóa các khoản đầu tư này.

Giám sát hiệu quả

Tuy nhiên, để bảo đảm tài chính kỹ thuật số thực sự phục vụ người dân đòi hỏi một cơ chế giám sát hiệu quả. Khi mọi người tiếp cận tài chính lần đầu tiên, họ dễ bị thao túng và bóc lột. Điều này đặc biệt đúng khi xảy ra trên quy mô lớn, vì sự tập trung thị trường làm tăng sức mạnh của các nền tảng tài chính kỹ thuật số lớn, nhiều nền tảng đã hoạt động trên toàn cầu.

Trừ khi các nền tảng đó phải chịu sự quản lý và giám sát đầy đủ, nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, không chỉ đối với người dùng cá nhân mà còn đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm. Các nền kinh tế đang phát triển sẽ chịu gánh nặng của những thất bại này.

Covid-19 là một thảm kịch. Nhưng đây cũng là cơ hội để thế giới thay đổi. Sau nhiều thập kỷ gia tăng bất bình đẳng và đầu tư không bền vững, thế giới đang có những công cụ và bí quyết để làm tốt hơn, bắt đầu từ tài chính kỹ thuật số.

Theo PS

Đạt Quốc