Sổ tay

"Sức chịu tải của môi trường không khí" còn mơ hồ

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 06:24 - Chia sẻ
Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được các cơ quan của Quốc hội tiến hành tiếp thu, chỉnh lý. Nhân dân rất quan tâm đến việc sửa đổi toàn diện đạo luật quan trọng này bởi những năm gần đây, sự xuống cấp của môi trường đã gây ra những tác hại nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng, trong đó phải kể đến ô nhiễm môi trường không khí do khói bụi, khí thải gây ra.

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong vài chục năm qua đem lại những kết quả đáng mừng khi nhiều khu nhà cao tầng mọc lên nhanh, nhiều con đường được làm mới hay nâng cấp, tu sửa liên tục. Nhưng xây dựng như vậy mà không quản lý nghiêm về quy hoạch, về quy trình xây dựng thì nguồn bụi quá lớn gây ô nhiễm là đương nhiên. Các công ty, nhà thầu nhận được công trình là triển khai làm theo "bản năng" của người làm kinh tế, theo kinh nghiệm xây dựng truyền thống hơn là áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chủ yếu họ dùng sức người, máy móc để đào, xúc, đập, khoan, trộn, đổ… vô tội vạ mà không che chắn, phun nước tạo ẩm để hạn chế ngăn bụi bay lên trời, hòa vào không khí. Nguồn bụi mịn, bụi thô này rất nguy hại cho môi trường. Ở các nước phát triển, khi xây dựng hay đổ đất cát đều dùng lưới hay bạt che cẩn thận, ngay cả đống đất tĩnh cũng phủ bạt hoặc lưới để tránh bay bụi lên không gian khi có gió. Có lẽ là bởi pháp luật của họ quy định đầy đủ và nhất là ý thức của cộng đồng, trong đó có những người làm xây dựng.

Lượng ô tô, xe máy lưu hành ở các đô thị nước ta ngày càng nhiều. Theo thống kê đầu năm 2020, cả nước có gần 36 triệu xe máy, gần 3,7 triệu ô tô, riêng thành phố Hà Nội có khoảng 6,7 triệu, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông (ô tô và xe máy). Xe cũ kém chất lượng thải khí CO, NOx, PM2.5... gây ô nhiễm ghê gớm. Nhiều xe đã quá hạn sử dụng hay không được kiểm định vẫn chạy trên đường gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận người dân nghèo sử dụng xe quá cũ để mưu sinh, khó quản lý, nhưng cái chính vẫn là ý thức còn thấp của họ với bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó nhân dân cũng phàn nàn là tại sao có một số công ty xe bus vẫn sử dụng xe quá cũ, xả khói đen ra đường phố, nhất là khi tăng ga, rời điểm đỗ, ảnh hưởng lớn đến người đi đường, mất mỹ quan đô thị.

Các nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ đã có chủ trương và lộ trình di chuyển ra khỏi nội thành từ lâu. Thế nhưng đến nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công xưởng vẫn còn hoạt động trong nội thành gây tiếng ồn và xả khói bụi, khí thải vào môi trường. Nhiều nhà máy thải khói, bụi mịn đã rất hại, những nhà máy, công ty ở lĩnh vực hóa chất, nhựa càng độc hơn. Vẫn còn nhiều cơ sở, nhà hàng hay nhà dân dùng bếp than gây ô nhiễm và dễ mất an toàn cháy nổ. 

Vùng nông thôn quanh đô thị, các huyện ngoại thành Hà Nội bà con nông dân có thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa cũng gây nguy hiểm lớn từ khói bụi. Ngày xưa rơm rạ còn tận dụng cho đun nấu, cho trâu bò ăn hay lợp nhà mái rạ. Ngày nay dân hầu hết xây nhà bê tông, mái ngói; chất đốt thì dùng ga hay điện… nên rơm rạ bỏ đi, bà con đốt tại đồng để tăng chất hữu cơ cho đất ruộng. Tuy nhiên, môi trường đã nóng, đốt như thế vừa tăng nhiệt vào không gian, vừa tạo ra một lượng lớn bụi, khói làm môi trường thêm ô nhiễm. Chính quyền cơ sở cùng các hội đoàn thể cần vào cuộc giải thích, vận động nhân dân bỏ tập quán này. 

 Môi trường không khí rất gần với cuộc sống đang bị ô nhiễm nặng thêm từng ngày, càng dễ tác động xấu đến người cao tuổi và các cháu nhỏ. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường rất cần vừa khoa học, toàn diện, vừa thực tế, gần gũi dễ hiểu để toàn dân cùng thực hiện, cùng giám sát chứ không phải chủ yếu dành cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn. Vì vậy không nên nêu những vấn đề có những cụm từ khó hiểu trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như “việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường” (Khoản 2, Điều 13 dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua). Vậy sức chịu tải của môi trường không khí là gì? - Quá mơ hồ và khó đánh giá. Ai đánh giá, đánh giá bằng phương tiện nào và theo tiêu chí nào? Mong rằng, cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và cơ quan  chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức thẩm tra, thẩm định dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, bảo đảm tính tường minh, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát trong các quy định của Luật này. 

Nguyễn Nhân Tỏ