Phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030:

Sự tương đồng về văn hóa, xã hội, lịch sử là tiêu chí tiên quyết

- Thứ Ba, 23/06/2020, 10:04 - Chia sẻ
Chính phủ đang xem xét phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Theo Kiến trúc sư ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phân vùng phải hướng đến tiêu chí đầu tiên đó là sự tương đồng về các yếu tố văn hóa, xã hội, tính chất dân cư, hạ tầng… Như vậy mới tạo động lực phát triển bền vững và lâu dài.
Kiến trúc sư ĐÀO NGỌC NGHIÊM

 

Kiến trúc sư ĐÀO NGỌC NGHIÊM

Phân vùng là yêu cầu cần thiết 

- Theo ông, việc phân vùng kinh tế có cần thiết không và có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?

- Việc phân vùng kinh tế căn cứ vào Luật Quy hoạch và để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đặt ra thì việc phân vùng kinh tế là yêu cầu cần thiết. Việc phân vùng kinh tế nhằm tìm ra mối liên kết, sự tương đồng giữa các tỉnh lân cận để tạo ra sức mạnh, tìm ra động lực phát triển của từng vùng. Vừa qua cũng đã có một số những vùng kinh tế, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm do có tính tương đồng nhất định nên đã hình thành những cơ chế đặc thù để phát triển.

Việc phân vùng kinh tế từ trước đến nay vốn đã có cả một quá trình thực hiện. Từ những năm 2000, khi xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020, Chính phủ đã đặt ra vấn đề phân vùng. Từ năm 1998, vùng Thủ đô Hà Nội đã hình thành, bao gồm một số tỉnh lân cận. Từ năm 2021 trở đi, định hướng phát triển kinh tế của nước ta sẽ có nhiều sự thay đổi; những cơ sở pháp lý, tức là căn cứ vào những luật mà Quốc hội đã thông qua, rõ ràng chúng ta phải có nghiên cứu điều chỉnh lại vùng kinh tế sao cho hợp lý. Mỗi giai đoạn sẽ có những yêu cầu khác nhau, do vậy dịp này Chính phủ đang xem xét các phương án phân vùng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, có những chỉ đạo cũng như tham vấn nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia để hoàn thiện.

- Ông đánh giá như thế nào về hai phương án phân vùng đang được đề xuất?

- Trước đây đã từng có 4 phương án phân vùng. Sau khi góp ý, các cơ quan chức năng đưa ra phương án thứ 5, và gần đây nhất Chính phủ đã đưa ra 2 phương án. Rõ ràng trong 2 phương án này, phương án thứ nhất có nhiều nhược điểm hơn. Ví dụ như việc gắn Tây Nguyên với Nam Trung Bộ thành một vùng là không hợp lý, hay mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng hay gọi là vùng Thủ đô với 15 tỉnh là quá lớn. Hoặc đối với tỉnh Tiền Giang và Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, thì sắp tới có được xem xét đưa về vùng Đông Nam Bộ, hay vẫn giữ ở đồng bằng sông Cửu Long? Hoặc Đà Nẵng nên đặt như thế nào để thành trung tâm, động lực phát triển của vùng. 

Phương án 2 theo tôi có nhiều ưu điểm hơn và ít gây sự xáo trộn. Cụ thể, tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành hai vùng: Vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc vùng Bắc Trung Bộ); mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, cả hai phương án đều chưa tính đến các vùng đặc thù, vùng kinh tế trọng điểm, trong khi các vùng này lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa là trung tâm chính trị, kinh tế lớn, vừa tạo động lực phát triển cho toàn bộ đất nước. Nước ta có hai vùng đặc biệt quan trọng là vùng Thủ đô và vùng đô thị TP Hồ Chí Minh. Hai vùng này phát triển không chỉ thúc đẩy kinh tế cả nước mà tạo ra vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thủ đô Hà Nội với xấp xỉ 2% GDP, TP Hồ Chí Minh vào khoảng 3% GDP, hai vùng này sẽ tạo nên hơn 5% GDP cả nước, vì thế cần thiết phải xem xét để xác lập vùng đặc thù. Do đó, phải xác định rõ vùng kinh tế trọng điểm và vùng đặc thù sẽ là các vùng độc lập hay nằm trong vùng kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hai phương án đều chưa đề cập đến cơ chế quản lý vùng, vì vậy sẽ thiếu đi sự điều phối chặt chẽ.

Phải có cơ chế điều hành vùng 

Phân vùng phải dựa trên các yếu tố văn hóa, xã hội, dân cư...
(Nguồn: ITN)

- Vậy để có sự phân vùng hợp lý, cần có những giải pháp nào, thưa ông?  

- Để nghiên cứu phân chia vùng hợp lý, thực hiện và đáp ứng mục tiêu của Đảng và Chính phủ nêu ra - vùng là động lực phát triển thì cần phải quan tâm đến hai vấn đề. 

Thứ nhất, gắn kết với nhau thành một vùng trước hết phải xem xét tính tương đồng về điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, tính chất dân cư, hạ tầng. Thứ hai, phải quan  tâm đến yếu tố kinh tế trong liên kết vùng. Ví dụ như cụ thể như Hà Nội liên kết chặt chẽ với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên... vì có các tuyến đường quan trọng. Thứ ba, phải hướng tới mục tiêu tạo động lực để phát triển của vùng và vùng trong sự phát triển của đất nước. 

Như vậy, việc phân chia vùng phải xem xét nhiều các hệ thống tiêu chí nhưng trong đó nên lấy yếu tố tương đồng về văn hóa, xã hội, lịch sử làm tiêu chí tiên quyết. Cụ thể như Tây Nguyên có những yếu tố về lịch sử, văn hóa khác hẳn Nam Trung Bộ nên cần được tách riêng.

- Để phát huy vai trò của vùng, theo ông cần hướng đến những yếu tố nào? 

- Cần phải xem xét tiền đề quản lý vùng như thế nào. Bài học từ vùng Thủ đô cho thấy, thành lập một ban quản lý từ năm 1998, nhưng do sau đó không có cơ chế nên đã giải tán. Cơ chế trong Hiến pháp xác định, hiện nay vùng không phải là một đơn vị hành chính trực thuộc cấp quốc gia, nên tác động của vùng không cao. Do đó phải xây dựng cơ chế mới, cơ chế điều hành vùng như thế nào thì phải xác định rõ. Với cơ chế vùng, Chính phủ sẽ cụ thể chi tiết, nhưng ít nhất phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, bởi vì cơ chế vùng không nằm trong Hiến pháp nên cơ chế vùng phải được Quốc hội cho phép thì mới triển khai được.

Để phát huy vai trò của vùng, cần phải thành lập hội đồng quản lý vùng và hội đồng này phải do ít nhất một Phó Thủ tướng điều hành, thay vì để các chủ tịch tỉnh thay nhau điều hành hội đồng vùng. Và để giúp hội đồng vùng nắm bắt, cập nhật được thông tin, cần thiết phải có văn phòng thường trực hội đồng vùng, bởi vì vùng là một mô hình mới cho nên cần phải có hội đồng chuyên gia đa ngành đa lĩnh vực để giúp hội đồng vùng điều hành. 

Bên cạnh đó cũng cần phải có quỹ phát triển vùng trích từ ngân sách của Nhà nước hoặc các nguồn huy động khác. Quỹ sẽ hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc trong xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương trong vùng.

- Xin cảm ơn ông!

Đầu tháng 6, tại cuộc họp về phương án phân vùng trên cả nước giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án thứ nhất: Giữ nguyên hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trung du và miền núi phía Bắc được tách thành Đông Bắc và Tây Bắc. Duyên hải miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Nam Trung Bộ; tỉnh Bình Thuận sang Đông Nam Bộ.

Bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông gộp vào Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới gồm các tỉnh hiện nay, bổ sung Lâm Đồng và Bình Thuận.

Văn phòng Chính phủ đề xuất phương án hai: Tách Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (Thừa Thiên Huế thuộc Bắc Trung Bộ). Đồng bằng sông Hồng được mở rộng thêm tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và đổi tên thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ba vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố); đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố) giữ nguyên như hiện nay.

 

Thảo Anh thực hiện