Sự bù trừ giữa diện tích trồng mới với diện tích bị chặt phá là bao nhiêu?

- Thứ Bảy, 05/11/2011, 07:06 - Chia sẻ
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là công trình quan trọng quốc gia với phạm vi thực hiện rộng, trải khắp 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau hơn 13 năm thực hiện, từ năm 1998 đến năm 2010, nhiều ĐBQH đồng tình với việc QH ban hành Nghị quyết về kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010, triển khai thực hiện việc bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, trước khi ban hành Nghị quyết kết thúc, cần nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ, thẳng thắn và xác thực về việc thực hiện các mục tiêu và kết quả của dự án. Và một trong những nội dung cần đánh giá là: sự bù trừ giữa diện tích trồng mới và diện tích bị chặt phá là bao nhiêu?

Đoàn ĐBQH Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Trà Vinh thảo luận tại tổ  

  Ảnh: Thái Bình


ĐBQH Sùng A Hồng (Điện Biên): Nếu khoanh nuôi và bảo vệ rừng tốt thì rừng sẽ tái sinh

Hiện nay, việc giao rừng cho các hộ gia đình còn rất ít, chủ yếu là giao cho cộng đồng. Chúng tôi ở cơ sở nhận thấy, biện pháp này không mang lại nhiều hiệu quả. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, rừng giao cho cộng đồng nên trách nhiệm giữ và bảo vệ rừng dường như không thuộc về ai, dẫn tới tình trạng cha chung không ai khóc. Phải giao cho hộ gia đình thì người dân mới thấy rằng đây là tài sản của họ và khi đó họ sẽ ý thức rõ ràng về việc cần phải bảo vệ rừng. Muốn người dân giữ rừng thì phải có chế độ, chính sách để người dân sống được từ rừng.

Trong các giải pháp Chính phủ đề xuất, tôi chưa thấy có ý nào đề cập đến việc bổ sung hoặc sửa đổi chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các đối tượng trồng rừng và giữ rừng, đặc biệt là khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Cần phải nhấn mạnh rằng, nếu chăm lo, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tốt thì tự thân rừng sẽ tái sinh và mở rộng diện tích.

ĐBQH Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh): Sự bù trừ giữa diện tích trồng mới với diện tích bị chặt phá như thế nào?

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một trong những dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương đầu tư. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cũng có thể đánh giá là chương trình mục tiêu quốc gia vì nó rải hầu khắp toàn quốc, chứ không tập trung vào một địa bàn nhất định như các dự án khác do QH quyết định chủ trương đầu tư như nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay dự án nhà máy thủy điện Sơn La. Theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì trong quá trình triển khai, QH đã tiến hành giám sát, điều chỉnh mục tiêu dự án và đạt được những kết quả nhất định. Tôi nhất trí nên kết thúc dự án này để biến hoạt động trồng mới, phát triển rừng thành hoạt động của cả nước, của ngành và của địa phương theo Luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chính phủ trình QH thông qua Nghị quyết kết thúc dự án này. Ngoài việc ra Nghị quyết kết thúc dự án thì liệu có nên giao cho kiểm toán Nhà nước đánh giá hiệu quả về tài chính, kinh tế - xã hội và có quyết toán, kiểm toán về dự án không? Vì ngoài đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng thì cần đặt yêu cầu bảo vệ rừng. Thực tế hiện nay, chúng ta ít đánh giá kiểm kê lại diện tích rừng bị chặt phá. Sự bù trừ giữa diện tích trồng mới với diện tích bị chặt phá như thế nào? Cần đánh giá rõ nội dung này để có số liệu thống kê chính xác cho phần bảo vệ rừng.

ĐBQH Phạm Văn Cường (Lào Cai): Có tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới rừng nữa hay không?

Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, giải quyết được vấn đề rừng nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất công nghiệp gỗ và chế biến lâm sản, giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc ở vùng cao... Nhìn chung, công tác rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp đã được thực hiện tốt, trên cơ sở đó, các tỉnh đã phân tích, phân loại 3 loại rừng từ tỉnh tới huyện, xã; đóng cọc phân định ranh giới các loại rừng phòng hộ, tự nhiên và sản xuất, để nếu có trường hợp xâm phạm vào một trong 3 loại rừng trên có thể phát hiện được ngay; thêm vào đó là quy hoạch các vùng đất trống, đồi núi trọc. Thành quả tích cực nhất mà dự án mang lại đó là tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; ý thức trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân.

Tại Kỳ họp lần này, sau hơn 13 năm thực hiện, QH cần quyết định: có tiếp tục theo đuổi chỉ tiêu trồng mới 1 triệu hecta, trong đó 250.000 hecta rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, 750.000 hecta rừng sản xuất hay không? Tôi đề nghị, trước tiên, cần phải rà soát lại quy hoạch đất rừng. Đối với rừng phòng hộ, theo tôi, không nên mở rộng diện tích rừng mà thay vào đó, chúng ta phải duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Phải chấp nhận phương án không cho dân ở lẫn với rừng phòng hộ. Như vậy, Nhà nước cần có phương án di dời dân, phải có sự phân bố dân cư hợp lý trong vùng và kèm theo đó là chính sách đi kèm nhằm bảo đảm công tác bảo vệ rừng. Thực tế giám sát cũng cho thấy, độ che phủ rừng chỉ đạt 4%, số còn lại bị lụi dần. Nhà nước cần phải đầu tư vào bảo đảm chất lượng của rừng; đầu tư phát triển lâm nghiệp phải bài bản, có chi phí hoàn chỉnh và phải đi kèm với đầu tư dân sinh.

ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình): Cần nhìn nhận, đánh giá lại một cách đầy đủ, thẳng thắn về các mục tiêu và kết quả của dự án

Báo cáo tổng kết của Chính phủ về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chưa xứng tầm với báo cáo tổng kết của một dự án lớn mang tầm quốc gia mà quá trình thực hiện dự án kéo dài hơn 13 năm qua. Bản báo cáo chưa đề cập hoặc đề cập quá mờ nhạt đến kết quả của dự án. Báo cáo mới chỉ tập trung đề cập đến các thông số về diện tích và mật độ che phủ rừng mà chưa đánh giá đến chất lượng của rừng cũng như những mục tiêu đầu tiên mà các Nghị quyết 68 của QH về quyết định thực hiện dự án và Nghị quyết 73 của QH điều chỉnh mục tiêu của dự án đề ra, đó là an sinh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gene của thảm thực vật và hệ sinh thái của rừng... Đây là những mục tiêu chính của dự án và có ý nghĩa quan trọng nhất nhưng lại chưa được đề cập, đánh giá trong báo cáo.

Có một thực trạng là khi triển khai thực hiện dự án, các vùng đất trống, đồi núi trọc ở những vùng có địa bàn khó khăn nên giao lại cho dân. Trong khi những cánh rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh ở vị trí địa lý thuận lợi thì lại bị phá đi để trồng rừng kinh tế, tập trung dành cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Chính vì thế, dân ta tuy có ở với rừng nhưng không có đất rừng, không được hưởng lợi từ rừng. Đây là vấn đề gây bức xúc nhất trong nhân dân. Khi tiến hành giao đất giao rừng, dân không có kinh phí để làm, các nhà đầu tư có kinh phí nên họ sẵn sàng bỏ ra, nhất là ở những vùng rừng tốt, rừng nguyên sinh khi bị phá đi để trồng rừng kinh tế. Những vùng rừng có giá trị kinh tế cao đó hiện chỉ cần bán lại đất thôi cũng được nhiều tiền rồi. Trong khi đó, những vùng đất trống, đồi núi trọc thì vẫn cứ trống trọc. Việc trồng rừng kinh tế hiện nay, chủ yếu là cây cao su, không bảo tồn được hệ sinh thái, nguồn gene và tính đa dạng sinh học của rừng; khả năng sinh thủy kém. Rừng cao su chỉ được tán rừng ở trên, còn toàn bộ phần dưới không có gì cả, không giống cây nào có thể sống chung được với cây cao su; đất thì ngày càng bị xói mòn.

Do vậy, đề nghị cần nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, thẳng thắn về các mục tiêu và kết quả của dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, bảo tồn hệ sinh thái và thảm thực vật của rừng, bảo đảm khả năng sinh thủy của rừng.

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam): Có cơ chế tạo động lực để người dân trồng rừng, thoát nghèo từ rừng

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là loại hình rừng sản xuất, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Hiện nay, rừng sản xuất phổ biến nhất là trồng cây keo, nguyên liệu rất dồi dào, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thì vốn kinh phí bổ sung cho dự án còn quá thấp. Trước đây, đối với rừng bảo vệ, mỗi năm mỗi hộ chỉ được 50 nghìn đồng/ ha. Xin hỏi, với 50 nghìn đồng này thì làm được việc gì khi một hộ đồng bào miền núi cũng chỉ đủ mua nửa kg cá?

Với riêng Quảng Nam, phần lớn diện tích là đồi núi cao và cấu tạo đất mềm, nếu chúng ta không triển khai trồng rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì nguy cơ sạt lở sẽ cao hơn so với các vùng khác. So sánh như thế để lý giải tại sao đối với vùng trung du và miền núi, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đem lại hiệu quả, nhưng với Quảng Nam thì không như mong muốn. Trên các tuyến đường của Quảng Nam hiện vẫn trồng cây keo, nhưng có ai thu hoạch cây keo đó hay cứ để cây hư và chúng tôi tiếp tục trồng keo? Quảng Nam trồng keo để làm gì? Để bảo vệ rừng. Thực chất, chúng tôi rất cần đất rẫy, đất ruộng để canh tác, nhất là trong thời gian qua, tại địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình thủy điện ăn vào đất canh tác, sản xuất. Phải chăng đây cũng là một trong những tác động làm cho người dân quay ra phát rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để làm nương rẫy? Và tại sao ở Quảng Nam, tình trạng phá rừng lại nhiều như vậy và tại sao người dân lại phá rừng? Thực tế, Quảng Nam đã có nhiều biện pháp để phát huy hiệu quả của dự án đối với vùng trung du và nông thôn. Hiệu quả thực tế rất cao, có hộ gia đình trung bình thu hoạch 200 - 300 triệu đồng, nhưng đối với các địa bàn vùng núi cao thì dự án không đem lại hiệu quả, nhất là đối với rừng sản xuất. Đây là vấn đề cần làm rõ, bổ sung thêm trong Báo cáo tổng kết để có những đánh giá sát thực hơn nhằm bảo vệ rừng. Theo tôi, nếu chấm dứt dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, có lẽ sẽ không còn động lực để người dân trồng rừng, bảo vệ rừng.

Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch rừng còn nhiều bất cập, nhất là công tác khảo sát rừng không khả thi, dẫn đến thực trạng rừng đặc dụng bị chuyển sang rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất. Đây là vướng mắc và cũng là vấn đề cử tri kêu nhiều nhất. Vậy Nhà nước phải có cơ chế như thế nào để người dân sống được nhờ rừng?

Đối với công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là ở Nam Quảng Nam, rừng rất nhiều, nếu có sự quan tâm đồng bộ thì sẽ đem lại hiệu quả cao. Nhưng thực chất dù có đồng bộ hay không đồng bộ thì cũng phải có tiền hỗ trợ cho gia đình trồng rừng, bảo đảm cho họ bữa ăn thì họ mới không phá rừng. Nếu không, bản thân gia đình trồng rừng này lại phải khai thác gỗ có giá trị kinh tế cao để sống, còn để lại, như trong Báo cáo chúng ta nhận được ngày hôm nay, là cây thổ tạp, không bảo đảm yêu cầu giữ đất, giữ rừng như chúng ta mong muốn. Cho nên mỗi mùa mưa đến là xảy ra tình trạng sạt lở. Trồng rừng còn có ý nghĩa bảo vệ phòng hộ mưa lũ.

Do vậy, tôi đề xuất, nên giao khoán, giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, trong đó nên có cơ chế vốn đầu tư bảo đảm cho người dân. Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ những hộ dân trồng rừng, nhất là ở các tỉnh miền núi, địa bàn đi lại khó khăn, tạo động lực kích thích người dân trồng rừng, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào thoát nghèo nhờ rừng.

Thanh Chi - Hoàng Ngọc ghi