Nhịp cầu

Sớm khắc phục sạt lở tại mỏ than Minh Tiến

- Thứ Năm, 13/08/2020, 09:11 - Chia sẻ
Những năm gần đây, bãi thải mỏ than Minh Tiến của Công ty Cổ phần Yên Phước thuộc địa phận xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên liên tục xảy ra tính trạng sạt lở, gây thiệt hại lớn trong sản xuất và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đe dọa tính mạng của người dân, nhất là đối với những hộ sinh sống gần khu vực bãi thải.

Theo phản ánh của người dân địa phương, từ năm 2018, việc đổ thải của Công ty Cổ phần Yên Phước đã bồi lấp trên 5ha ruộng của 40 hộ dân thuộc xóm Cây Thổ và xóm Ao Soi, xã Na Mao gây thiệt hại trên 610 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, công ty này lại tiếp tục đổ thải làm bồi lấp hệ thống mương tưới tiêu và 6ha ruộng của 57 hộ dân xóm Cây Thổ và Ao Soi, gây thiệt hại trên 455 triệu đồng. Từ đầu tháng 8 đến nay, mưa lớn kéo dài khiến khu vực chân bãi thải của mỏ than Minh Tiến bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, ước tính khoảng 9.000m3 đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Khu vực ba bể lắng bị sụt lún với chiều dài khoảng 30m, lún sâu 0,6m.

Ông Vi Văn Hải (xóm Ao Soi, xã Na Mao) - một trong những hộ dân sinh sống gần chân bãi đổ thải của mỏ than Minh Tiến cho biết, gia đình ông nằm cách chân bãi đổ thải khoảng 300m. Nhiều tháng nay, các thành viên trong gia đình luôn hoang mang, sợ hãi mỗi khi trời mưa và phải di chuyển đến nhà người thân cách đó khoảng 1km để ở nhờ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình ông Hải đã phải di chuyển 8 lần, lần lâu nhất phải đi ở nhờ gần 1 tuần.

"Nhiều gia đình trong xã cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ bãi thải mỏ than Minh Tiến. Nhiều nhà ở và công trình xây dựng của người dân bị nứt tường. Không khí bị ô nhiễm do bụi than, đường sá bị hư hỏng do quá trình vận chuyển than của rất nhiều xe tải trọng lớn. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và Công ty Cổ phần Yên Phước sớm có phương án hỗ trợ để những gia đình bị ảnh hưởng như chúng tôi được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn”, ông Hải bày tỏ.

Theo quan sát và ghi nhận của phóng viên, hiện nay sườn bãi thải của mỏ than Minh Tiến có hiện tượng xói mòn, trượt lở đất tại một số vị trí; chân bãi thải có các hố lắng gom nước. Bên cạnh đó, các tầng thải không có rãnh, mương thoát nước nên nước mưa ngấm vào thân tầng thải gây nguy cơ sạt lở cao. Khu vực xảy ra sạt lở, sụt lún tại chân bãi thải có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân. Trong đó, có 4 hộ thuộc xã Na Mao sinh sống gần chân bãi thải nhất từ 300 - 500m; các hộ còn lại thuộc xã Phú Cường nằm cách chân bãi thải từ 500 - 800m. 

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra hiện trạng sạt lở mỏ than Minh Tiến. Theo đó, ông Lượng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND huyện Đại Từ khẩn trương làm việc với Công ty cổ phần Yên Phước đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên và báo cáo cụ thể với UBND tỉnh. Huyện Đại Từ và xã Na Mao xây dựng phương án bảo đảm an toàn, tích cực động viên người dân trong khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, trực chốt 24/24h để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bãi thải, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Đơn cử, vụ sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ (năm 2012), cướp đi sinh mạng của 7 người dân là nỗi ám ảnh của nhiều người dân xã Phục Linh (huyện Đại Từ). Do đó, người dân huyện Đại Từ mong muốn chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp sớm có giải pháp thiết thực và khẩn trương thực hiện để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.  

Đào Cảnh