Siết đầu tư ra nước ngoài sẽ hạn chế tẩu tán tài sản

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:37 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định 83/2015/NĐ-CP. Đáng chú ý, dự thảo có nhiều điểm mới được trông đợi sẽ góp phần hạn chế tẩu tán tài sản như quy định cán bộ, công chức không được đầu tư ra nước ngoài; chỉ pháp nhân mới được đầu tư bất động sản ở nước ngoài…

Còn nhiều vướng mắc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2015 đến nay, đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo Nghị định 83/2015/NĐ-CP và đã có chuyển biến đáng kể. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài vẫn được duy trì ổn định về mặt số lượng dự án nhưng thay đổi lớn về chủ thể đầu tư. Nếu như trước đây, đầu tư ra nước ngoài được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn (khai khoáng, trồng cây công nghiệp, năng lượng, viễn thông) thì từ năm 2015, đầu tư của khối tư nhân chiếm ưu thế với rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Tính đến hết tháng 7.2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 22,9 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD. Các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp cũng có những thay đổi theo hướng đa dạng hơn về thị trường, lĩnh vực, hình thức đầu tư. Ngoài các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Nga…, doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu và từng bước vươn tới các thị trường xa như châu Mỹ Latin, châu Phi.

“Xét về lợi ích đối với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước bên ngoài cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài đã mang về lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD; lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 363 triệu USD; khoảng 10.000 lao động đi nước ngoài làm việc tại các dự án này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng hình thành khối lượng tài sản đáng kể như nhà máy, cơ sở sản xuất giá trị hàng tỷ USD tại nước ngoài.

Tuy vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, việc đầu tư ra nước ngoài vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành. Chẳng hạn, vốn đầu tư ra nước ngoài chưa được định nghĩa thống nhất và rõ ràng về thành phần, ý nghĩa sử dụng mặc dù đây là khái niệm quan trọng làm cơ sở phân biệt các quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, trong khi cần hạn chế một số trường hợp để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật cũng như giảm rủi ro về pháp lý, an ninh (nhà đầu tư là cán bộ, công chức, sĩ quan, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…).

Ngoài ra, thiếu quy định về đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư) của họ tại Việt Nam. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó, nhằm phân biệt với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài…

Viettel đầu tư xây dựng mạng viễn thông Lumitel tại Burundi   

Nguồn: ITN 

Tránh “núp bóng” đầu tư để định cư

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là chỉ nhà đầu tư có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp thành lập theo quy định) mới được đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Đại diện ban soạn thảo lý giải, Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện nhằm hạn chế rủi ro lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân. Do vậy, quy định như trong dự thảo sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng quy định như vậy “rất cần thiết”. Bởi lẽ, thời gian qua có tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài “như một cách để giữ tài sản mà không đầu tư sinh lời”, chỉ chờ có cơ hội sẽ sang đó định cư, trong đó có những trường hợp vi phạm pháp luật ở trong nước. “Nếu không siết lại hoạt động này, một lượng không nhỏ ngoại tệ ở Việt Nam sẽ “chảy” ra nước ngoài, trong khi dự trữ ngoại tệ của nước ta không lớn, sẽ làm ảnh hưởng đến dòng tiền trong nước cũng như xuất nhập khẩu”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng siết lại các đối tượng được đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lý hành chính… không được đầu tư ra nước ngoài.

Theo ban soạn thảo, điều này là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; bảo đảm cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, “giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản”.

Mặt khác, dự thảo cũng bổ sung khái niệm “vốn đầu tư ra nước ngoài” để xác định rõ thành phần vốn đầu tư ra nước ngoài và làm căn cứ để xác định quy trình, hồ sơ, thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Dự thảo cũng bổ sung quy định chuyển tiếp đối với dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài nhưng theo quy định mới không được coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Dự kiến, quy định chuyển tiếp là nhà đầu tư được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đã cấp… Ngoài ra, dự thảo sửa đổi trách nhiệm một số bộ, ngành liên quan, với mục tiêu cao nhất là nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi hơn trong đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.

Đan Thanh