"Sẽ là điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La"

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:31 - Chia sẻ
Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai được Tỉnh ủy Sơn La chọn là đơn vị tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Từ ngày 12 - 14.5, trong bối cảnh dịch Covid - 19, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quỳnh Nhai lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp theo hình thức trực tuyến. Đây là tiền đề quan trọng để bảo đảm thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV tới đây. Ngay sau đó, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI. Nhiều kỳ vọng được đặt ra về một Quỳnh Nhai phát triển hơn, hướng đến mục tiêu “trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La” - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai NGUYỄN VĂN THU chia sẻ.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp là thành công lớn

Ông Nguyễn Văn Thu

Ảnh: Quang Khánh

- Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai Khóa XX nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật?

- Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, kế thừa kết quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết Khóa XIX, huyện đã tìm được hướng đi, cách làm phù hợp, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đó là thay đổi được tập quán canh tác của nhân dân, phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả, chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, phát triển diện tích dược liệu dưới tán rừng (trồng sa nhân cao sản).

Hiện, toàn huyện có gần 100ha sa nhân cao sản cho thu hoạch, dự kiến 1ha cho nguồn thu từ 200 - 250 triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà là cách làm phù hợp để chuyển đổi phát triển sản xuất, huyện đã tập trung phát triển, từ chỗ chỉ có 40 lồng cá thí điểm năm 2014, đến nay đã nâng lên gần 7.000 lồng và 46 hợp tác xã thủy sản. Đồng thời, thực hiện tái tạo nguồn lợi thủy sản dưới lòng hồ để bảo đảm sinh kế cho khoảng 10.000 hộ thuộc 7/11 xã trong toàn huyện.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp là thành công lớn của huyện, giúp cải thiện đời sống đồng bào, bởi chỉ cần 1 lao động/1 lồng cá và cho thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/năm, gấp 2 - 3 lần 1ha đất trồng cây hàng năm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi này cũng tạo hướng sản xuất tập trung thay vì manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, đã giải bài toán thiếu đất sản xuất cho người dân, qua đó giảm bớt lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan.

Nhờ sự chuyển hướng này đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh. Tổng kết Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đạt và vượt 29/31 chỉ tiêu (trong đó có 14 chỉ tiêu vượt, như chỉ tiêu về thu ngân sách, đào tạo nghề…). Huyện đã vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Huyện cũng bảo đảm phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho 4.942 hộ tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La di chuyển nội huyện và trên 1.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất sản xuất. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả tích cực; sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được phát huy.

- Để chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đồng nghĩa thay đổi tập quán, thói quen canh tác của đồng bào là vấn đề không đơn giản. Quỳnh Nhai đã giải quyết bài toán này như thế nào?

- Đây là trăn trở rất lớn của Đảng bộ huyện, bởi trình độ dân trí trên địa bàn không đồng đều; nhiều nơi vẫn còn thói quen trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ; trình độ áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; nguồn lực có hạn. Do vậy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của bà con. Huyện cũng tập trung nguồn lực thực hiện mô hình thí điểm bởi “trăm nghe không bằng một thấy”. Bên cạnh đó, huyện còn thành lập Tổ tư vấn phát triển thủy sản, quy tụ những kỹ sư thủy sản để tư vấn cho bà con cách chọn lựa con giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa bệnh; đồng thời hướng dẫn hạch toán, kế toán, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Khi có sản phẩm, huyện đã tổ chức tìm đầu ra thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mỗi năm có ít nhất 2 lần tổ chức Hội chợ thủy sản lòng hồ thủy điện Sơn La, nhờ đó đã thuyết phục được bà con thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất.

- Huyện vẫn còn 2 chỉ tiêu không đạt là sản lượng lương thực và tỷ lệ che phủ rừng. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Chỉ tiêu về sản lượng lương thực không đạt là theo chủ ý của huyện trong định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả trên đất dốc để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân.

Còn đối với tỷ lệ che phủ rừng, do số liệu thống kê, báo cáo diện tích rừng hiện còn tại thời điểm năm 2015 có sự sai sót. Khi tiến hành rà soát quy hoạch 3 loại rừng vào năm 2018 đã điều chỉnh giảm từ 52.514ha xuống còn 38.600ha. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, diện tích rừng khoanh nuôi và trồng rừng mới thành rừng là 12.616ha, qua đó nâng diện tích rừng hiện còn của huyện đến năm 2020 là 51.216ha, cơ bản đạt chỉ tiêu đặt ra.

Du khách tham quan lòng hồ Thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai.

Quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

- Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đặt ra những mục tiêu phát triển thế nào, thưa ông?

Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng (trong đó năm 2025 thu đạt 60 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.086,6 tỷ đồng.

- Đến năm 2025, số lượt khách du lịch đạt 120.000 lượt khách/năm; tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 120 tỷ đồng/năm.

 - Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90% đến năm 2025.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 29%, trong đó có 3.000 lao động đào tạo được cấp chứng chỉ; giải quyết việc làm mới cho 4.000 người...

- Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện đặt ra các mục tiêu như: Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Bên cạnh đó, tích cực đổi mới, sáng tạo; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

- Huyện sẽ làm gì để hiện thực hóa các mục tiêu này?

- Để làm được điều đó, huyện sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển thủy sản; phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả. Với cây ăn quả phấn đấu đạt 4.000 - 5.000ha, trong đó 1.500 - 2.000ha trồng cây lâu năm, còn lại 2.000 - 3.000ha trồng dứa gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Thứ hai, Quỳnh Nhai có lợi thế du lịch lòng hồ, du lịch sinh thái với tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, nhiều nguồn gene bản địa còn giữ được. Toàn huyện có 7 dân tộc anh em, bản sắc giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch, đưa huyện Quỳnh Nhai trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La. Huyện quyết tâm đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; lấy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm và du lịch văn hóa tâm linh làm nòng cốt.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực quản lý nhà nước. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực lao động phổ thông trên địa bàn đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, đầu tư vào hoạt động du lịch; doanh nghiệp sản xuất sạch, thu hút nhiều lao động…

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện