Góc nhìn

Sau "nghiêm khắc phê bình" sẽ như thế nào?

- Thứ Tư, 03/06/2020, 07:07 - Chia sẻ
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm". Nguyên nhân dẫn đến việc Bộ trưởng phải "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm" là bởi theo kế hoạch, đến ngày 31.12.2019, tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước phải hoàn thành thực hiện thu phí tự động không dừng. Vậy nhưng, tiến độ này đã bị "vỡ" bởi nhiều nguyên nhân, nhiều khó khăn, vướng mắc.

Những khó khăn, vướng mắc này khó giải quyết đến mức thời điểm cuối năm 2019, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) đã đề nghị trả lại dự án này. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tiến độ thực hiện thu phí không dừng được đề cập đến. Thậm chí, từ tháng 10.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, trong đó nêu rõ từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Rồi đến giữa tháng 8.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tái chất vấn việc triển khai thực hiện nghị quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã nêu câu hỏi: Chính phủ đặt ra quyết tâm đến ngày 31.12 năm nay sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn. Nhưng hôm qua Bộ trưởng làm việc với Tổng cục Đường bộ thì mới triển khai 29 trạm với 161 làn. Vậy mục tiêu đặt ra có thực hiện được không? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng đã nêu lại chỉ đạo của Thủ tướng là đến hết ngày 31.12, tất cả các trạm đều phải áp dụng. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, việc còn lại tùy thuộc sự sẵn sàng của chủ đầu tư trong việc thực hiện, phối hợp…

Nhưng đến nay, theo báo cáo của Chính phủ thì hiện mới lắp đặt vận hành từ 2 - 6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn. 6/19 trạm địa phương quản lý đã đầu tư và kết nối dự án giai đoạn 1, có 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành. Còn lại 7/19 trạm các địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành…

Thu phí tự động không dừng là giải pháp hữu hiệu để công khai, minh bạch trong thu phí lại gặp quá nhiều khó khăn trong thực hiện, dù Bộ Giao thông - Vận tải  đã rất "quyết liệt": Đến ngày 31.12.2019 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng. Bộ kiểm tra tiến độ hàng tháng để nhà đầu tư không thể nói là bị bất ngờ. Nhà đầu tư chây ỳ thì phải chấp nhận.

Nếu vậy thì ngoài những nguyên nhân đã được nêu ra, còn có nguyên nhân nào khác? Giải pháp khắc phục ra sao? Không lẽ biết được nguyên nhân mà lại không có biện pháp khắc phục? Những vấn đề này cần thiết phải được làm rõ và cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể chứ không thể nhận trách nhiệm rồi để đó.

Khánh Ninh