Góc nhìn

Sao cứ “ôm” trụ sở cũ?

- Thứ Ba, 02/06/2020, 08:12 - Chia sẻ
Thực tế nhiều cơ quan đề nghị xây trụ sở mới và sẽ bán trụ sở cũ hoặc giao trụ sở cũ về cho Nhà nước nhưng không ai giao trụ sở cũ. Cứ nói rằng “cho tôi xây trụ sở mới đi rồi tôi trả trụ sở cũ để cho Nhà nước bán, xây xong rồi vẫn không trả”. Đây là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 45 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội sáng qua (1.6). Câu hỏi đặt ra là, có trụ sở mới rồi sao nhiều cơ quan vẫn “ôm” khư khư trụ sở cũ?

Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP Hà Nội. Để hỗ trợ cho thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030, thì việc dành cho Hà Nội cơ chế hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất là hoàn toàn phù hợp. Điều này cũng hoàn toàn tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, điều mà cử tri và dư luận quan tâm là quy trình mua bán, xử lý tài sản công phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch.

Tình trạng tiêu cực trong quản lý tài sản công, trong đó có đất đai thời gian qua đã trở thành bài học nhãn tiền. Việc quản lý tài sản công tại không ít cơ quan, địa phương bị buông lỏng. Lợi dụng việc cổ phần hóa, không ít trường hợp tài sản công đã được phù phép chuyển thành tài sản “của ông”. Nhiều khu “đất vàng” bỗng chốc rơi vào tay doanh nghiệp với giá rất bèo. Việc bán rẻ như cho không đã làm thất thoát khoản tiền rất lớn ngân sách nhà nước. Hàng loạt vụ án đưa ra xét xét thời gian qua, trong đó không ít quan chức, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả do sai phạm trong những trường hợp này không phải là điều dễ dàng.

Không chỉ phù phép đất công để hưởng lợi, có không ít trường hợp cố tình chây ỳ không trả trụ sở cũ. Tình trạng này đã được Chính phủ phủ chỉ rõ trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018. Theo đó, một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại cơ sở nhà, đất số 143/10 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại số 3 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội)… chưa thực hiện nghiêm việc chấm dứt sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết.

Về nguyên tắc, có trụ sở mới thì cơ quan, đơn vị phải trả lại trụ sở cũ cho Nhà nước quản lý và xử lý tài sản này theo quy định. Tuy nhiên, việc “ôm” khư khư không muốn trả lại trụ sở cũ của một số cơ quan, đơn vị cho thấy, việc quản lý tài sản công chưa nghiêm. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Đó là do việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, không loại trừ do cố tình trì hoãn việc bàn giao của những người trong cuộc theo kiểu “chậm ngày nào, lợi ngày đó”. Và không khó để hiểu rằng, khi chậm trả lại trụ sở thì những khoản lợi này sẽ chạy vào túi ai.

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.

Chỉ thị của Thủ tướng đã có. Việc chỉ đích danh các cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc bàn giao trụ sở cũ là cần thiết. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng chây ỳ này, cũng như để không thất thoát tài sản công, rất cần chế tài nghiêm khắc hơn đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm. Nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay thì tình trạng “ôm” khư khư trụ sở cũ sẽ vẫn tái diễn.

Hà An