Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Rút ngắn thời gian thi hành án dân sự

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:18 - Chia sẻ
Chỉ số Thiết chế pháp lý là 1/10 chỉ số thành phần xem xét xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số thành phần phản ánh lòng tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý ở từng địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì thời gian thi hành án dân sự kéo dài, với nhiều thủ tục ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đến môi trường đầu tư.

Doanh nghiệp không biết “bấu víu” vào ai?

Những năm gần đây, chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” của tỉnh Thái Nguyên luôn được cải thiện, năm 2017 đạt 6,42 điểm (xếp thứ 12), năm 2018 đạt 6.40 điểm (xếp thứ 21); năm 2019, đạt 7,13 điểm (xếp thứ 15). Trong kết quả xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh thì chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” là một chỉ số ổn định và được đánh giá cao (thường xếp thứ 3/10 chỉ số thành phần của tỉnh). Riêng đối với chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân sự “Phán quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng”, năm 2017 đạt 74% (xếp thứ 10), năm 2018 đạt 84% (xếp thứ 1), năm 2019 đạt 80% (xếp thứ 9).

Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu lực thi hành án dân sự, góp phần cải thiện PCI

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Ban Chấp hành Trung ương 5, Khóa XII đã xác định thi hành án dân sự là một hoạt động quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phong trào khởi nghiệp và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Do đó, mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vào hiệu lực, sự kịp thời và nhanh chóng của hoạt động thi hành án dân sự trong bảo vệ các quyền tài sản là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá PCI tại các địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác thi hành án dân sự còn bộc lộ một số tồn tại, làm giảm hiệu lực, hiệu quả và niềm tin của doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái nguyên (SEVT) cho rằng, một doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư thường hỏi các công ty tư vấn luật địa phương về hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản; trường hợp xảy ra tranh chấp, bị xâm hại quyền sở hữu tài sản, họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và chi phí để có thể thu hồi tài sản? và trong trường hợp phá sản thì thời gian, tỷ lệ thu hồi tài sản là bao nhiêu để tiếp tục tái đầu tư, sản xuất?... Đây chính là những tiêu chí quan trọng để đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như sự hoàn bị của cơ chế thị trường của mỗi nền kinh tế. Vậy, nhưng trong quá trình giải quyết vụ việc, SEVT nhận thấy một số thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự còn chưa tinh gọn; việc hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp chưa cụ thể, rõ ràng; thủ tục thanh toán tiền bồi thường còn chậm, mặc dù phần lớn số tiền đương sự đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự trước khi xét xử… Đồng tình với thực tế nêu trên, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, Thái Nguyên Lê Thành Thực chia sẻ thêm, theo quy định của pháp luật, trước khi ủy thác các đơn vị thi hành án phải điều tra, xác minh và chỉ rõ các cơ sở dữ liệu liên quan đến điều kiện để thi hành án thì mới ủy thác được. Sau khi nhận ủy thác, đơn vị nhận thi hành án tiếp tục xác minh nếu không đúng thì xác minh lại, nếu không xác minh được hoặc không còn điều kiện thi hành thì có quyền trả lại đơn, điều này làm cho quá trình thi hành án dang dở, doanh nghiệp thì không biết bấu víu vào ai. Chưa kể việc đơn vị nhận ủy thác có nhiệt tình hỗ trợ giải quyết, xác minh... giống đơn vị ủy thác hay không?

Tăng cường cơ chế đối thoại

Liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị quyết số 19 (ngày 18.3.2014, ngày 12.3.2015, ngày 28.4.2016 và ngày 6.2.2017). Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Nghị quyết dựa trên cách tiếp cận đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong đó có 2 tiêu chí quan trọng là “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” và “Phá sản doanh nghiệp”. Để thực hiện các nghị quyết này, thời gian qua hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực rút ngắn thời gian thi hành bản án thông qua việc tinh gọn thủ tục thi hành án, tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng khâu, từng bước của quá trình thi hành án như xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, cưỡng chế, định giá, đấu giá. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp không ít khó khăn từ những quy định trong hệ thống pháp luật, đến việc phối hợp liên ngành trong hoạt động này.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Xuân Tùng nêu thực tế, không hiếm đương sự phản hồi về việc gửi yêu cầu hỗ trợ vào địa chỉ email nhưng kiểm tra hộp thư không nhận được nên họ phải liên hệ trực tiếp để hướng dẫn; một số trường hợp biết được phương thức hỗ trợ trực tuyến nhưng vẫn trực tiếp liên hệ đến cơ quan thi hành án dân sự để được hướng dẫn vì lý do không có điều kiện về công nghệ thông tin như máy vi tính, đường truyền, máy Scan... Do đó hầu hết các yêu cầu tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến đều nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tổ chức tín dụng. Trong khi đó, các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn cho các thủ tục hành chính một cửa, có phần chồng lấp trong thực hiện nhiệm vụ.

Từ thực tế này, ông Tùng cho rằng, cần tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động thi hành án dân sự; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng tải thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; thống nhất triển khai và vận hành phần mềm quản lý thi hành án dân sự nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý ngành. Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện SEVT đề xuất, để công tác thi hành án dân sự góp phần cải thiện Chỉ số CPI, các bộ ngành liên quan cần phải được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả với các quy trình, thủ tục đơn giản, chuyên nghiệp hơn; tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan thi hành án dân sự với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc người dân và doanh nghiệp.

Đình Khoa