Tít trang: Đồng Nai hoàn thiện hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Rút ngắn khoảng cách với thành thị

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:34 - Chia sẻ
Diện tích đất nông nghiệp hiện chiếm hơn 70% diện tích toàn tỉnh Đồng Nai, hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 6%. Từ thực tế đó, Đồng Nai luôn coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; xem đây là lĩnh vực quan trọng trong phát triển bền vững của tỉnh.

Phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đồng Nai đã chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và thực hiện nông thôn "4 có": Có đời sống kinh tế được cải thiện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đời sống văn hóa tốt, an ninh - an toàn bảo đảm, có môi trường sinh thái tốt.

Công tác thủy lợi được chú trọng đầu tư nhằm phục vụ sản xuất hiệu quả

Nhờ chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện ban đầu, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả quan trọng, có ý nghĩa lớn tạo dấu ấn trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều kết quả nổi bật, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực đổi mới rõ nét: Sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, hệ thống trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,62% năm 2011 xuống còn còn 0,09% năm 2019, an ninh trật tự chính trị được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần người dân khu vực nông thôn được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,28 lần so với năm 2011.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay, toàn tỉnh có 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 100%), trong đó có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 100%).

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong đó bài học đầu tiên và quan trọng nhất là “nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng địa bàn thì nơi đó tình hình có sự chuyển biến tốt và đạt kết quả cao”.

Trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh chọn 34 xã và 01 huyện (huyện Xuân Lộc) để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm khi triển khai rộng. Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết: “Tỉnh chọn điểm không chỉ đối với các xã thuận lợi mà cả đối với các xã miền núi, khó khăn và chọn huyện Xuân Lộc là huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, để vừa phong phú về kinh nghiệm, vừa tạo điểm nhấn trong thực hiện chương trình. Từ đó, tạo động lực, khích lệ đối với tất cả địa phương trong tỉnh, tích cực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời, tỉnh chọn giải pháp chính yếu, trung tâm để ưu tiên thực hiện: Chọn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là giải pháp hàng đầu, là cái gốc, là nguồn đầu tư chủ động và ổn định để xây dựng nông thôn mới”.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn

Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh vì vậy hệ thống hạ tầng Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực trọng điểm phía Nam là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao. Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, hệ thống điện để phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, khu sản xuất tập trung; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn đồng bộ, bền vững.

Có thể thấy thành tựu nổi bật nhất của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới là hoàn thiện hạ tầng nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thông qua tiếp cận xã hội đa chiều.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mặc dù là tỉnh công nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế rất thấp, nhưng Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc, làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục … hoàn thiện theo hướng hiện đại.

Sau nhiều năm triển khai với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống giao thông nông thôn là một trong những điểm nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh. Giai đoạn 2008 - 2017, Đồng Nai đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được 2.512km đường, diện mạo, cảnh quan dọc các tuyến đường được chỉnh trang, 133 xã có đường nhựa, bê tông tuyến UBND xã tới UBND huyện. Hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, chất lượng hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp với tốc độ nhanh, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.

Hệ thống thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt dân cư, nâng cấp 26 công trình đập, hồ chứa nước, cống thoát nước và kiên cố hóa 240,28km kênh mương… Đến nay, ngoài 119 công trình thủy lợi đang hoạt động, các hộ dân còn đầu tư hệ thống giếng khoan, giếng đào để phục vụ nhu cầu tưới. Các công trình sau khi hoàn thành được giao cho các đơn vị chức năng quản lý, khai thác đạt hiệu quả tốt, phục vụ tưới 19.948,4ha, cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt 55.925m3/ngày, ngăn mặn và ngăn lũ 9.594ha đất canh tác.

Trong những năm qua, điện khí hóa nông thôn cũng được tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt do đó hệ thống điện nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp 981,95km điện trung thế, 1.413,8km điện hạ thế, kết hợp nâng cấp và xây dựng mới các trạm biến áp, tỷ lệ số hộ có điện trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,9%. 

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được xây dựng mới, nâng cấp và đạt được những kết quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 91,18% tỷ lệ trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 41% trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc mở thêm các điểm trường học ở các ấp đã tạo điều kiện thuận lợi để học sinh không phải đi học xa, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Hệ thống thiết chế văn hóa, hệ thống thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn góp phần nâng cao trình độ dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của dân cư nông thôn. Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông tiếp tục được tăng cường, 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông bảo đảm cho việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông; 100% xã có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ truy cập internet trên địa bàn xã, ấp.

 100% UBND cấp xã sử dụng phần mềm một cửa điện tử eGov để phục vụ cho tổ chức, người dân trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ góp phần nâng cao tri thức người dân nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc tiếp cận hệ thống internet, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở sữ liệu về thông tin khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 133/133 xã đã có điểm thông tin khoa học công nghệ. Hệ thống y tế cũng vì thế ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất cũng như số lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ đã đáp ứng cơ bản yều cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hương Lan