Chính sách và cuộc sống

Rất lý tưởng nhưng có khả thi?

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:21 - Chia sẻ
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ ngay đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ Chín. Nhiều quan điểm, tư duy mới về bảo vệ môi trường đã được cơ quan chủ trì soạn thảo đưa vào dự luật.

So với đề xuất ban đầu, dự luật đã có sự thay đổi rất lớn về quy mô sửa đổi, bổ sung với 13 nhóm chính sách, tăng thêm 6 nhóm chính sách mới và “tích hợp” rất nhiều vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường nhưng hiện đang được điều chỉnh bởi các luật khác. Chính phủ khẳng định, với dự luật này, “lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường”. Nhưng có lẽ vì đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy nên dự luật cũng gây e ngại rất lớn về tính khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về tính khả thi, Chính phủ khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa, tiệm cận với luật pháp quốc tế. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Nhưng một câu hỏi rất lớn phải được làm rõ là: Với quy mô và trình độ phát triển như hiện nay của nền kinh tế nước ta thì áp dụng, thực thi các tiêu chuẩn môi trường của thế giới ở mức độ nào, với lộ trình nào để có thể hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chỉ rõ, “khi nói đến bảo vệ môi trường thì phải hiểu rằng chúng ta sẽ phải trả giá bằng tốc độ phát triển. Vì sao Hoa Kỳ rất chậm ký Nghị định thư Kyoto và mới đây cũng rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu? Là vì nếu tuân thủ những hiệp ước giảm khí thải CO2 thì kinh tế của họ sẽ bị tụt giảm”. Những nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới còn phải cân nhắc, đắn đo vấn đề kinh tế và môi trường như vậy thì liệu chúng ta đưa vào luật để thực hiện ngay các chính sách mới, tiệm cận với thế giới về môi trường có khả thi không?

Sau khi ban hành luật này thì liệu toàn bộ công nghệ trong sản xuất đầu tư của doanh nghiệp trong nước; nhận thức, thói quen, ứng xử của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường; nguồn lực đầu tư để bảo đảm hiện thực hóa các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường... đã thay đổi được hay chưa? Các doanh nghiệp nước ta hiện nay hầu hết đều sử dụng công nghệ trung bình và công nghệ thấp. Nếu không đánh giá tác động kỹ lưỡng, thông qua Luật này, các doanh nghiệp phải tăng chi phí lên thì liệu có cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay hay không? “Chúng ta đưa vào dự thảo Luật có thể nói rất hay, rất lý tưởng nhưng trên thực tế có khả thi không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi.

Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, dự luật cũng có cách tiếp cận rất khác, thậm chí trái ngược với các nguyên tắc của nhiều luật hiện hành. Ví dụ, một quy định khiến Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng hết sức bất ngờ là, giao thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho cả công chức, viên chức cấp xã và đặc biệt là tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu... “Những người này không phải là người được giao thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu họ là doanh nghiệp thì không bao giờ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chúng ta giao như thế này là rất trái nguyên tắc với Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra một quy định khác trái Hiến pháp và trái cả Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Lao động cưỡng bức mà chúng ta đang chuẩn bị xem xét, phê chuẩn là áp dụng biện pháp lao động công ích đối với người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự luật cũng quy định khác hẳn về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong khi Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định đối tượng chịu thuế môi trường là xăng dầu, mỡ nhỡn, than đá... tức là quy định rất cụ thể. Cả căn cứ xác định, căn cứ tính thuế cũng hoàn toàn khác. “Chúng ta không có tiền lệ là, những luật không phải trong lĩnh vực thuế mà lại sửa những nội dung rất cụ thể của luật thuế như vậy”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định.   

Một đạo luật mạnh mẽ, tiến bộ, tiệm cận với các chuẩn mực của thế giới để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn chắc chắn không là phải là mong muốn riêng của cơ quan quản lý nhà nước bởi người dân sẽ được hưởng lợi trước tiên nếu môi trường tự nhiên, môi trường sống được gìn giữ, bảo vệ. Nhưng cũng chính vì thế mà yêu cầu về tính khả thi, tính thống nhất của các chính sách, các điều luật mới về bảo vệ môi trường với hệ thống pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Cân bằng giữa mong muốn và hiện thực, giữa kỳ vọng và điều kiện thực tế không có gì mâu thuẫn với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” mà ngược lại, buộc chúng ta phải xem xét thấu đáo hơn, tính toán kỹ lưỡng hơn từng giải pháp với lộ trình cụ thể, hợp lý. Một đạo luật tiến bộ thì lý tưởng thôi là chưa đủ. Trước hết phải khả thi!

Lam Anh