Quyền riêng tư

- Thứ Hai, 20/07/2020, 08:15 - Chia sẻ
Bên lề câu chuyện thành công của ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi, một vấn đề gây tranh luận là việc báo chí tường thuật cuộc phẫu thuật ngay từ phòng mổ và những hình ảnh đặc tả các cháu từ hiện trường được truyền đi và chia sẻ rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra là liệu báo chí có đi quá đà trong việc tường thuật, đưa tin và liệu có xâm phạm đến quyền riêng tư của 2 cháu bé? Ở khía cạnh đưa tin, công chúng được biết và đáp ứng nhu cầu thông tin về ca mổ; nhưng ngược lại, ở khía cạnh con người, 2 cháu bé, sau này lớn lên, liệu có thoải mái với hình ảnh tuổi thơ của mình?

Sẽ khó đưa ra một câu trả lời duy nhất tường minh, bởi vấn đề có thể phải nhìn, thảo luận từ nhiều góc độ, trong đó bao gồm cả góc độ pháp lý, văn hóa và đạo đức. Nhưng từ góc độ nào đi nữa, câu chuyện cũng là cơ hội để nhìn lại và thúc đẩy các thảo luận sâu rộng hơn về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và rộng hơn đó là dữ liệu và quyền riêng tư trong thời đại số ở Việt Nam, trước nhất là từ góc độ hoàn thiện các chế định pháp lý và thực thi quy định bảo vệ quyền này.

Vấn đề vi phạm quyền riêng tư, đặc biệt là xâm phạm dữ liệu cá nhân trên môi trường số đã trở nên nghiêm trọng ở nước ta. Một ví dụ được nhắc đến thường xuyên là tình trạng hành khách đi máy bay, vừa xuống sân bay đã nhận được tin nhắn chào mời dịch vụ taxi đưa đón. Rồi các cuộc điện thoại không mong muốn chào mời dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ nghỉ dưỡng, mua nhà, đầu tư… Những trải nghiệm không mong muốn này, trực tiếp đến từ việc thông tin và số điện thoại cá nhân bị rò rỉ và khai thác một cách vô tội vạ. Thậm chí, chỉ cần gõ vào Google cụm từ “mua dữ liệu khách hàng” - rất nhiều cá nhân, tổ chức công khai chào bán các thông tin này.

Đánh giá tổng quan hơn, một thảo luận chính sách gần đây của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nêu lên hai xu hướng chính đáng lo ngại của việc mất an toàn dữ liệu. Một là tình trạng thu thập, khai thác, thương mại hóa trái phép các dữ liệu cá nhân. Hai là, việc thu thập thông tin cá nhân trên mạng xã hội đang diễn ra một cách phổ biến và tràn lan, trong khi không có quy định pháp lý rõ ràng gây ra các rủi ro dài hạn về mất an toàn thông tin và xâm phạm quyền riêng tư.

Trong nền kinh tế số, dữ liệu được coi là “mỏ dầu” và do đó bảo vệ thông tin và dữ liệu là vấn đề đặc biệt quan trọng. Những người làm chính sách ở Việt Nam đã ý thức rõ điều đó. Ngày 3.6.2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề xuất một chiến lược phát triển toàn diện bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quyết định cũng khẳng định dữ liệu số là “tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số” và giao Bộ Công an xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tầm nhìn và các định hướng cụ thể đã được xác định, tuy vậy trên thực tế việc xây dựng và hoàn chỉnh khung khổ pháp lý vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Đó là tình trạng vừa thiếu hụt quy định, đồng thời các quy định nằm tản mát trong nhiều văn bản. Báo cáo của IPS cho thấy, hiện có 17 văn bản ở cấp độ luật, nghị định điều chỉnh vấn đề này nhưng hầu hết dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu, chứ chưa có định nghĩa cụ thể. Do đó trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của chủ thể thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu chưa được quy định rõ.

Về dài hạn, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, có thể cân nhắc hai giải pháp. Thứ nhất, cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt các quy định pháp lý cụ thể về bảo vệ dữ liệu; đồng thời khắc phục được tình trạng quy định vừa trùng lặp vừa phân tán trong nhiều văn bản chuyên ngành. Thứ hai, cần có một chiến lược quốc gia về dữ liệu nhằm xác lập thống nhất hành động ở cấp độ quốc gia. Sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực của cả ba khu vực, Nhà nước, tư nhân và các tổ chức xã hội, mới có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Sẽ khó phân định đúng sai từ góc độ đạo đức, văn hóa trong câu chuyện khai thác hình ảnh của Trúc Nhi và Diệu Nhi, nhưng ít nhất, từ góc độ pháp lý, khi có những quy định rõ ràng và rành mạch về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, chắc chắn báo chí và người dùng mạng xã hội sẽ có ứng xử phù hợp hơn, để sau cùng, tính nhân văn tốt đẹp của đời sống mỗi người và rộng ra là cả xã hội được bảo vệ và duy trì.

Nguyễn Quang Đồng
Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông