Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Quy định quản lý chất lượng không khí chặt chẽ hơn

- Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:50 - Chia sẻ
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn của nước ta. Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đã bổ sung nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường không khí, song theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, vẫn chưa bảo đảm tính chặt chẽ và cần tiếp tục hoàn thiện.

Rõ trách nhiệm hơn

So với Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có bước tiến nhất định. Bên cạnh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường không thay đổi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Điều 63, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chỉ quy định chung chung: Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời. Tại Khoản 6, Điều 13, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời. Ngoài ra, nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng không khí cũng được quy định cụ thể tại Khoản 4, Điều 13, dự thảo Luật.

Tuy nhiên, nếu so sánh với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, các quy định của dự thảo Luật vẫn cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện. Ví dụ như, dự thảo Luật quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý, thực hiện quan trắc, đo các chỉ số về không khí và đưa ra cảnh báo. Nhưng khi một cơ sở sản xuất kinh doanh vượt quá hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường không khí trên địa bàn thì trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp này chưa được làm rõ. Trong khi đó, Luật Môi trường năm 1995 của Anh yêu cầu chính quyền các địa phương đánh giá chất lượng không khí trong khu vực. Nếu cơ sở nào vượt quá hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường thì được yêu cầu ngừng hoạt động và thực hiện kế hoạch hành động nhằm làm giảm hàm lượng chất gây ô nhiễm.

 Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh 

Bảo đảm sự kiểm soát, quản lý của nhà nước

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã dành một chương quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, trong đó có mục về bảo vệ môi trường không khí. Nhưng ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận thấy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm điều kiện nguồn lực để tổ chức thực hiện, cũng như công tác kiểm soát, quản lý của nhà nước. Bởi thực tiễn cho thấy, vấn đề ô nhiễm không khí ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân.

Đưa ra yêu cầu này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương lý giải, tại Khoản 1, Điều 12 quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà thải khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định này rất đúng, ai gây ra thì người đó phải có trách nhiệm xử lý. Nhưng quy định mới dừng ở nguyên tắc như vậy sẽ khó đưa vào thực hiện được ngay khi luật có hiệu lực. Sau khi luật ban hành sẽ phải chờ văn bản hướng dẫn xác định như thế nào là giảm thiểu định mức, định lượng, giảm thiểu như thế nào để được xem là không còn tác động xấu đến môi trường. Do vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, vấn đề này phải quy định minh bạch để tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tiêu cực. Đặc biệt, tránh tình trạng người dân phản ánh là ô nhiễm, sống không nổi với ô nhiễm không khí, nhưng cơ quan, đơn vị chức năng vẫn khăng khăng đã thực hiện giảm thiểu theo quy định và không thực hiện xử lý nữa. Đây là một nguyên nhân khiến người dân bức xúc, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Tương tự, tại Khoản 4, Điều 12 quy định các nguồn thải khí thải lớn, các nguồn khí thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường không khí và các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh thì phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát. Yêu cầu này đang được thực hiện và luật liên quan ở nhiều quốc gia cũng quy định tương tự. Nhưng đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, cần bổ sung quy định làm rõ cơ chế tổ chức thực hiện. Cần quy định ai, đối tượng nào chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, quan trắc, đánh giá, kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh theo quy định như đã nêu. Bởi quy định việc này cụ thể sẽ có cơ sở để phản ánh, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.

Hay như, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Nhưng dự thảo Luật chưa lường đến trường hợp nguồn ô nhiễm không khí được phát ra từ địa bàn khác, thuộc tỉnh khác, gây ảnh hưởng theo kiểu liên vùng, liên tỉnh mà địa phương đó phải chịu. Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, quản lý, xử lý đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng không khí ô nhiễm liên tỉnh, liên vùng trong xử lý ô nhiễm không khí liên tỉnh, liên vùng, qua đó bảo đảm tính kịp thời và khả thi.

Thời gian qua, chính quyền một số địa phương đã phải đưa ra cảnh báo, yêu cầu người dân đóng cửa nhà, hạn chế đi ra đường… khi xảy ra ô nhiễm không khí trên địa bàn quản lý. Ô nhiễm không khí cũng được các tổ chức thế giới cảnh báo là “kẻ giết người thầm lặng”. Do vậy, các quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện, để bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả khi đưa vào thực hiện, thậm chí không chỉ dành một chương, mục để quy định về bảo vệ môi trường không khí mà cần xây dựng luật riêng để thực hiện yêu cầu này như nhiều quốc gia đã làm. 

Thanh Hải