Góc nhìn

Quy định một đằng, làm một nẻo!

- Thứ Năm, 07/05/2020, 07:51 - Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017. Qua đó đã xác định hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Hành lang pháp lý về quản lý đất đai đã có, vì sao các cá nhân, tổ chức vẫn cố tình phớt lờ các quy định?

Kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 1.1.2016 - 31.12.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án, là vi phạm quy định của Luật Đất đai và các nghị định có liên quan. Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang xác định sai giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc chưa đúng với quy định, phải truy thu về ngân sách nhà nước số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với một số chủ đầu tư của một số dự án trên địa bàn huyện Phú Quốc chưa đúng quy định, phải thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 255 tỷ đồng; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với 10 dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện miễn giảm, cần phải thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 53 tỷ đồng. Cùng với đó, Cục Thuế Kiên Giang cũng miễn tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đầu tư của pháp luật về đầu tư đối với 6 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật, phải thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 93 tỷ đồng…

Không khó để thống kê số tiền thiệt hại cho ngân sách nhà nước qua những vi phạm này. Việc thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư không chỉ căn cứ vào yêu cầu cụ thể của địa phương mà còn phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Câu hỏi đặt ra là, có hay không lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân từ việc cho một số chủ đầu tư được hưởng "cơ chế đặc thù” ngoài quy định pháp luật?

Không chỉ hưởng cơ chế ưu đãi trái quy định, từ tháng 1.2016 - 6.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc. Điều đáng nói là, theo pháp luật về đất đai trong giai đoạn này không có quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp nhưng việc tách thửa vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Điều này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Vì sao pháp luật không cho phép mà cơ quan chức năng lại cố tình thực hiện? Liệu có phải vì lợi ích từ việc tách thửa, sang nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật này quá lớn mà lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường biết sai nhưng vẫn nhắm mắt làm liều?

Không chỉ ở Kiên Giang, lĩnh vực đất đai đã trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương thời gian qua. Nóng không chỉ vì các vụ khiếu nại, khiếu kiện lĩnh vực này luôn chiếm tỷ lệ áp đảo, mà còn bởi không ít những quan chức, lãnh đạo địa phương đã vướng vòng lao lý chỉ vì lợi ích trước mắt từ đất.

Việc cán bộ, công chức tiếp tay cho các sai phạm trong quản lý đất đai cũng đã được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 82/2019/QH14. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Cũng tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu: Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị…

Để không xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về đất đai. Mọi cơ chế hỗ trợ, ưu ái đặc thù kiểu “đi đêm” đều trái pháp luật và cần phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng, pháp luật quy định một đằng, làm một nẻo.

Hà An