Quốc hội Ấn Độ thông qua sửa đổi Luật Hàng hóa thiết yếu

- Thứ Hai, 28/09/2020, 01:03 - Chia sẻ
Dự luật Hàng hóa thiết yếu (sửa đổi), được Hạ viện thông qua vào ngày 15.9, vừa được  Rajya Sabha (Thượng viện) bật đèn xanh nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đem lại lợi ích cho cả nông dân lẫn người tiêu dùng.

Theo dự luật, các mặt hàng như ngũ cốc, đậu, hạt có dầu, dầu ăn, hành và khoai tây sẽ bị loại khỏi danh sách các mặt hàng thiết yếu. Dự luật cũng sẽ thay thế một sắc lệnh được ban hành vào tháng 6 vừa qua. Văn bản pháp lý mới nhằm xóa bỏ những lo ngại của các nhà đầu tư tư nhân về sự can thiệp quá mức vào hoạt động kinh doanh của họ.

Trước đó, Chính phủ Ấn Độ cho biết, các hoạt động tự do sản xuất, nắm giữ, di chuyển, phân phối và cung cấp sẽ dẫn đến việc khai thác kinh tế quy mô và thu hút khu vực tư nhân/đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Các vấn đề người tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối công Danve Raosaheb Dadarao, các điều kiện giới hạn tồn kho được áp dụng thông qua các quy định hiện hành đang cản trở đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Các sửa đổi đối với đạo luật kéo dài 6 thập kỷ quy định rằng, giới hạn nắm giữ hàng hóa sẽ chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt như thiên tai quốc gia, nạn đói với giá cả tăng vọt. Ngoài ra, các nhà chế biến và người tham gia chuỗi giá trị được miễn giới hạn số lượng hàng tồn kho.

Động thái trên của Quốc hội Ấn Độ sẽ thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời sẽ tạo ra khả năng lưu trữ nhiều hơn để giảm tổn thất sau thu hoạch của cây trồng. “Việc sửa đổi này có lợi cho cả nông dân và người tiêu dùng”, ông Danve Raosaheb Dadarao nhấn mạnh.

Nguồn: ITN

Bộ trưởng Dadarao đồng thời phát biểu, những thay đổi trong luật năm 1955 là bước đi quan trọng giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập của nông dân, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Luật Hàng hóa thiết yếu trước đây được xây dựng khi đất nước đông dân nhì thế giới còn chưa có thể tự cung, tự cấp về ngũ cốc, lương thực. Tuy nhiên, tình hình giờ đã đổi khác, vì vậy cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Trong khi hầu hết mặt hàng nông sản của Ấn Độ trở nên dư thừa, nông dân nước này vẫn không thể bán được giá tốt hơn do thiếu đầu tư vào kho lạnh, kho bãi, chế biến và xuất khẩu. Điều đó dẫn đến nghịch lý là nông dân luôn phải chịu thiệt hại lớn khi có vụ thu hoạch bội thu, đặc biệt là các mặt hàng dễ hư hỏng. Điều đó ảnh hưởng không chỉ đến nông dân mà còn sự phát triển bền vững của kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, nền kinh tế Ấn Độ vốn từng được ghi nhận phát triển mạnh nhất thế giới đã bị ảnh hưởng mạnh và thu hẹp nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào. Tình hình nghiêm trọng đến mức nhiều nhà kinh tế dự đoán, Ấn Độ có nguy cơ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Được biết, GDP của nước này đã giảm 23,9% trong quý II so với năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Ấn Độ bắt đầu công bố số liệu hàng quý vào năm 1996 và là mức giảm tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới được Bloomberg khảo sát.

Ngọc Minh