Quảng Bình: Thành phố trẻ bên sông Nhật Lệ

- Thứ Bảy, 23/09/2006, 00:00 - Chia sẻ
Có lẽ không ai không biết Nhật Lệ. Đây là một dòng sông ẩn chứa nhiều huyền thoại. Tính huyền thoại của nó hàm ẩn ngay cả về tên gọi. Người thì cho lệ là đẹp, người bảo lệ là nước mắt. Mặc lòng, Nhật Lệ quanh năm vẫn mải miết chảy và là nhân chứng hiện hữu chứng kiến các bước thăng trầm của một đô thị được định danh Đồng Hới từ thời Thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Bình (năm 1885). Có lẽ hai cách hiểu đều đúng chăng?

      Là nước mắt bởi trong lịch sử dòng sông này đã phải chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn thời Trịnh – Nguyễn phân tranh đến sự tàn phá ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Là đẹp bởi sự kiến tạo của thiên nhiên, bởi bàn tay xây dựng của con người. Và minh chứng xác thực nhất là đôi bờ Nhật Lệ giờ đây, hiện hữu một đô thị trẻ, đẹp lung linh – Thành phố Đồng Hới.
Có thể nói, từ trong hoang tàn và đổ nát do chiến tranh để lại, thị xã Đồng Hới xưa và thành phố Đồng Hới nay đã có sự đổi thay đến kinh ngạc. Nếu ai đó có dịp được đi dọc sông Nhật Lệ sẽ cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của thành phố này, nhất là vào lúc thành phố lên đèn, hai bờ sông như hai chuỗi ngọc khổng lồ. Để có được vẻ đẹp đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của chính quyền và người dân nơi đây. Sau hòa bình, tỉnh Quảng Bình được hợp nhất với tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên trở thành tỉnh Bình Trị Thiên, thị xã Đồng Hới ngày ấy nói như nhiều người dân nơi đây là thị xã bị “lãng quên”. Và rồi đến năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập, thị xã Đồng Hới trở về với vai trò và vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Thời điểm này, cả nước đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới. Đó là một cơ hội lớn để Đồng Hới phát triển. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, trong những năm 90 của thế kỷ XX, thị xã Đồng Hới đã có bước phát triển mau lẹ trên mọi lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng phục vụ  phát triển KT - XH và dân sinh được xây dựng và củng cố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, du lịch và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Các ngành kinh tế bước đầu đã tận dụng được lợi thế về tài nguyên và lao động, tích cực đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Các tiềm năng, thế mạnh của thị xã đã được khai thác và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh và của khu vực. Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, Đồng Hới tiếp tục gặt hái những thành công mới. Trong giai đoạn 2001 – 2005, nền kinh tế của Đồng Hới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân 5 năm đạt 12,5%, tăng 1,7% so với chỉ tiêu đề ra, riêng chỉ tiêu do thành phố quản lý đạt 10,5%/năm, tăng 1,3% so với chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Công tác quy hoạch được chú trọng; Đã thực hiện bổ sung điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020 và đẩy mạnh việc quản lý đô thị theo quy hoạch chung. Các công trình trong điểm được đầu tư xây dựng như: Khu công nghiệp Tây Bắc, Khu du lịch Mỹ Cảnh, sân bay, cầu Nhật Lệ... Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nét chấm phá trong giai đoạn phát triển này là tháng 8.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình. Việc thành lập thành phố Đồng Hới có ý nghĩa quan trọng về chính trị, đánh dấu bước trưởng thành của tỉnh Quảng Bình và thị xã Đồng Hới và tạo động lực mới cho sự phát triển trong hiện tại cũng như trong tương lai đối với tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc miền Trung. 
      Trên đà phát triển đó, chính quyền và nhân dân thành phố Đồng Hới giờ đâyđang nỗ lực vượt mọi khó khăn, phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề văn hoá, xã hội; nâng cao chất lương nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Từ nay đến năm 2010, thành phố Đồng Hới phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên địa bàn đạt từ 14 – 15%; thành phố quản lý từ 13 – 14%; Thu nhập bình quân đầu người là 1.100 –1.200 USD; Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm 25 –26%. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục duy trì phát triển ổn định và có những bước tiến mới. Phấn đấu đến năm 2010, thành phố đạt một số tiêu chí cơ bản đô thị loại II, tạo tiền đề để đến giai đoạn 2010 - 2015 lên đô thị loại II.
       Đồng Hới – Thành phố trẻ bên dòng sông Nhật Lệ đang trên bước đường phát triển. Dòng sông Nhật Lệ quanh năm mải miết chảy và miệt mài cùng con người nơi đây viết tiếp những huyền thoại mới.

Hoàng Lê