Quảng Bình: Phát huy vai trò Đoàn – Đội trong phòng chống đuối nước ở trẻ em

- Thứ Năm, 07/11/2019, 18:42 - Chia sẻ
Việc bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn - Đội các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó, công tác phòng chống đuối nước được đặt lên hàng đầu.

Tuyên Hóa (Quảng Bình) là huyện miền núi có hệ thống sông, suối, hồ đập chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em. Trong những tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, trong thời gian qua, huyện đoàn Tuyên Hóa đã đưa các hoạt động phòng chống đuối nước vào chương trình, kế hoạch của chiến dịch Hè tình nguyện năm 2019. Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức bàn giao sinh hoạt hè; chủ động quản lý thanh thiếu niên, nhi đồng tại các địa phương; tổ chức các chương trình, hoạt động bổ ích, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, khuyến khích các em đăng ký các lớp học bơi trên địa bàn huyện; tổ chức cắm biển báo nguy hiểm ở các điểm xung yếu dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước…


Giờ học bơi tại điểm trường Xuân Mai, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa

Tại Trường Tiểu học Bắc Sơn, xã Thanh Hóa có một điểm dạy bơi khá đặc biệt. Trong kỳ nghỉ hè 2019, hàng ngày, đoàn viên, thanh niên xã Lâm Hóa phối hợp với nhà trường tổ chức thuê xe đưa đón các em học sinh nghèo ở các xã: Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa và Thanh Thạch về học bơi tại trường. Đặc biệt, các em học sinh nghèo được miễn toàn bộ học phí, đồng thời được trang cấp đầy đủ các dụng cụ để học bơi. Trong số gần 400 em học sinh tham gia học bơi ở kỳ nghỉ hè vừa qua có gần 60% học sinh thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Phó Bí thư Phụ trách Đoàn xã Lâm Hóa Đinh Bá Duy cho biết: "Chúng tôi đã phân công từng đoàn viên, thanh niên tại các thôn về tận nhà tuyên truyền cho các bậc phụ huynh cũng như con em về hậu quả của đuối nước. Ngoài ra, các bạn đoàn viên cũng phân công theo tổ để tổ chức thuê chuyến xe đưa đón các em học sinh đến học tại bể bơi di động của Trường Tiểu học Bắc Sơn. Đây là việc làm rất cần thiết của thế hệ đàn anh đi trước đối với các em thanh thiếu nhi trên địa bàn, nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở địa bàn có nhiều sông suối như ở Tuyên Hóa".

Giáo viên dạy bơi Trường THDT bán trú, Tiểu học và THCS Lâm Hóa Hoàng Ngọc Lâm cũng chia sẻ: "Chúng tôi cùng với nhà trường hỗ trợ cho các em từ kính bơi cho đến các thiết bị hỗ trợ dạy bơi, việc dạy bơi cho các em ở đây hoàn toàn miễn phí. Mặc dù, thời gian dạy khá là kín và vất vả nhưng anh em giáo viên trong tổ mong muốn chuyển tải những kiến thức về bơi và phòng chống đuối nước cho các em, qua đó giúp cho các em có được kỹ năng bảo vệ bản thân khi có tình huống xấu dưới nước xảy ra".

Khác với trẻ em ở các đô thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, trẻ em ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Bình hiện nay vẫn đang thiếu nơi vui chơi, sinh hoạt an toàn, có tổ chức giám sát. Các em thường tự tìm đến các nơi như sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch. Đó là lý do vì sao những vụ đuối nước của trẻ em vừa qua chủ yếu xảy ra ở miền núi, nơi dân trí còn thấp, người lớn bận rộn với cuộc sống mưu sinh, chủ quan, thiếu sự kiểm soát với con cái.

Để hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em, thời gian qua, cùng với các ngành, các cấp, tổ chức Đoàn - Đội trong toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi và học sinh. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các đồng chí Tổng Phụ trách Đội ở các trường Tiểu học và THCS trong toàn tỉnh, tập huấn cho đội ngũ Ban chấp hành Đoàn xã của 46 xã có nguy cơ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đã chỉ đạo Nhà Thiếu nhi tỉnh, Nhà Thiếu nhi các huyện, thị phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mở các lớp dạy bơi, học bơi miễn phí cho thiếu nhi tại địa phương…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Lê Thị Ngọc Hà cho biết: "Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tăng cường tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ ở các trường học, đồng thời tập trung vào việc tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về hậu quả của đuối nước ở trẻ em. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo và một số cơ quan khác trong việc triển khai các chương trình tập huấn cho cán bộ, giáo viên về nghiệp vụ giảng dạy bơi lội cho học sinh và triển khai các dự án xây dựng bể bơi di động tại các địa bàn có nhiều sông suối, điểm nguy hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em".

Phòng, chống đuối nước cho trẻ có thể đến từ những việc làm nhỏ như: các bậc phụ huynh nên căn dặn trước khi con em rời khỏi nhà; các thầy, cô giáo có thể bỏ ra vài phút cuối giờ để nhắc nhở học sinh về ẩn họa từ sông, suối, ao, hồ... Hơn ai hết, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của phòng, chống đuối nước cho trẻ để tránh những trường hợp thương tâm xảy ra. Vấn đề này nếu chỉ dựa vào tinh thần xung kích, nỗ lực tình nguyện vì cộng đồng của các tổ chức Đoàn – Đội hoặc sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm là chưa đủ, mà cần có lộ trình dài hơi, trong đó sự vào cuộc, quan tâm đúng mức từ các cấp ủy, chính quyền, nhà trường cũng như gia đình và toàn xã hội giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng cho trẻ em là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng.

Tuấn Quang