Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ giám sát tại Hải Phòng

Quan tâm hơn đến văn hóa, giáo dục để tạo nền tảng phát triển vững chắc

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 14:29 - Chia sẻ
Đoàn giám sát đề nghị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thành phố quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, đoàn nghệ thuật truyền thống. Đối với giáo dục - đào tạo, nên có sự đảo chiều, tập trung nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí, thay vì chú trọng giáo dục mũi nhọn...

Sáng 18.9, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách pháp luật các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát- chủ trì buổi làm việc. 

Theo Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, với vị trí, tiềm năng và truyền thống, Hải Phòng có thể kỳ vọng phát triển hơn nữa

Qua báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng và làm việc với các sở, ngành, địa phương ngày 17.9 cho thấy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, ưu tiên ưu đãi đối với lĩnh vực quản lý của ngành. Thành phố có Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao du lịch TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch của Vùng duyên hải Bắc bộ. 

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng, đã phê duyệt danh mục di tích lịch sử trên địa bàn thành phố để bảo tồn; quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt là huy động xã hội hóa trong bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích đạt kết quả khá tốt. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn. Thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng cơ bản đồng bộ.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố luôn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục

Hoạt động thể dục thể thao Hải Phòng đạt được những kết quả ấn tượng nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Giai đoạn 2016 - 2020 ước chi sự nghiệp văn hóa, thể thao là 1.563 tỷ đồng (tăng 35% so với giai đoạn 2011 - 2015). Thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ với hơn 2000 CLB TDTT ở cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thể thao thành tích cao đạt được những thành tích xuất sắc trên đấu trường toàn quốc, khu vực và châu lục, đóng góp nhiều lượt vận động viên vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia.

Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục mũi nhọn. Mạng lưới, quy mô giáo dục các cấp không ngừng phát triển và mở rộng. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục được tăng cường, có nhiều chính sách đặc thù để phát triển giáo dục và đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quan tâm; các điều kiện bảo đảm về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất được đầu tư, cơ bản đáp ứng triển khai chương trình lớp 1 và có lộ trình cho các lớp tiếp theo.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm thông qua Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, dự án ODA và chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp khác tăng cường năng lực đào tạo cho các cơ sở, tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ cho ngành, nghề trọng điểm như: Bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; rà soát cập nhật, xây dựng mới nhiều chương trình đào tạo với thời lượng thực hành chiếm 60 - 70%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa mong muốn Hải Phòng quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, các đoàn nghệ thuật truyền thống

Ghi nhận các kiến nghị của Hải Phòng về hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục mầm non, định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tăng cường giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em… Đoàn giám sát đề nghị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thành phố quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; đầu tư thêm các thiết chế văn hóa cơ sở; đầu tư bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, các đoàn nghệ thuật truyền thống. Đối với giáo dục - đào tạo, nên có sự đảo chiều, tập trung nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao dân trí, thay vì chú trọng giáo dục mũi nhọn; quan tâm quy hoạch cơ sở giáo dục gắn với quy hoạch phát triển KT - XH địa phương…

Đánh giá cao những kết quả Hải Phòng đạt được thời gian qua, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát cũng đặt câu hỏi: Với vị trí, tiềm năng, truyền thống và những kết quả đó, chúng ta có thể kỳ vọng hơn được không? Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, cần có tư duy của một thành phố lớn, tư duy của những công dân đô thị Hải Phòng. Thành phố định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhưng trong quá trình đó cần có một nền tảng vững chắc, và đó chính là văn hóa, giáo dục. “Lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến văn hóa, giáo dục, nhưng chúng tôi mong muốn cần quan tâm hơn nữa, bởi những lĩnh vực này phải đầu tư trong thời gian, đòi hỏi kinh phí lớn, không đem lại hiệu quả tức thì nhưng sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững”.

Nhật Linh