Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động

Quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài

- Chủ Nhật, 07/06/2020, 07:23 - Chia sẻ
Vấn đề khó quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài là vấn đề của hầu hết các quốc gia có XKLĐ. Tuy thực trạng của lao động mỗi nước là khác nhau nhưng về cơ bản thì lao động nhập cư thường không được đối xử công bằng như công nhân bản địa, không được tham gia công đoàn, bị ngược đãi đặc biệt là lao động nữ. Đó là lý do rất cần sự vào cuộc của Nhà nước với những chính sách, pháp luật để bảo vệ người lao động ở nước ngoài.

Bảo vệ người lao động ở nước ngoài

Người lao động ra nước ngoài làm việc phải tuân theo pháp luật của nước sở tại, trong khi đó thì pháp luật các nước này không hỗ trợ hoặc hỗ trợ rất ít đối với lao động nước ngoài. Công tác quản lý lao động đi xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn khi số lao động phá hợp đồng ra ngoài tìm việc làm bất hợp pháp tiếp tục gia tăng. Philippines là nước tương đối thành công trong hoạt động XKLĐ nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài. Mặc dù Philippines có một mạng lưới ở nước ngoài trực thuộc Bộ Lao động với mục đích là quản lý trực tiếp người lao động và kịp thời can thiệp khi cần thiết, họ có bộ phận riêng chuyên trách để quản lý về lao động ở hầu hết các nước mà họ XKLĐ. Nhưng trên thực tế đa phần lao động Philippines ở nước ngoài phải chấp nhận mức lương thấp hơn lao động bản địa, bị kỳ thị văn hóa, bị căng thẳng tâm lý và là nạn nhân của các vụ vi phạm hợp đồng lao động.

Đối với Indonesia thì tình trạng của người lao động xuất khẩu còn tồi tệ hơn rất nhiều do người lao động đa phần đi XKLĐ theo con đường bất hợp pháp, luôn có nguy cơ bị trục xuất và bị chèn ép về tiền công.

Người lao động Thái Lan hay bất kỳ lao động của nước nào khi đi xuất khẩu đều đứng trước những nguy cơ bị xâm hại đến quyền lợi. Để người lao động làm việc ở nước ngoài không bị chèn ép, phân biệt và được bảo đảm quyền lợi, Chính phủ Thái Lan quy định rõ các trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các tổ chức và cá nhân đưa người lao động đi nước ngoài. Theo đó có các hình thức xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm. Chẳng hạn, bồi thường thiệt hại và các chi phí liên quan, kể cả các chi phí cơ hội cho người lao động khi họ không được bố trí công việc với các điều kiện như đã cam kết trong hợp đồng, hoặc việc thay đổi công việc khác không có sự hoàn toàn đồng thuận của người lao động. Ngoài ra, đối với các vi phạm nghiêm trọng có thể phải chịu các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn kể cả việc truy tố về trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu lừa đảo hoặc các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Thực tế hoạt động XKLĐ của các nước trên cho thấy, để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài, nhà nước cần thiết phải: thành lập các cơ quan quản lý lao động của nước mình ở nước ngoài; tăng cường trao đổi thông tin về lao động di cư giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu cũng như với các nước XKLĐ khác. Phối hợp với các nước XKLĐ chống lại những đòi hỏi không cần thiết của các nước nhập khẩu; Tiến hành đào tạo lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc. Hoạt động đào tạo không chỉ là việc đào tạo về nghề nghiệp, ngoại ngữ mà còn là các kiến thức về luật pháp, phong tục tập quán của nước mà họ sẽ đến, các vấn đề về quyền của người lao động và chăm sóc sức khỏe; đặc biệt chú ý tới đối tuợng là lao động nữ bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương và bị xâm hại.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thị trường

Thực tế cho thấy, để hoạt động XKLĐ đem lại hiệu quả thì nhà nước nên tham gia hỗ trợ việc tìm kiếm và phát triển thị trường ở tầm vĩ mô như: gửi các phái đoàn ngoại giao ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường, quảng cáo tiếp thị hình ảnh của người lao động,  ký kết hiệp định song phương và đa phương về cung ứng lao động… Sự hỗ trợ của nhà nước một cách có hệ thống và tổ chức bài  bản trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường lao động đã giúp cho các doanh nghiệp XKLĐ nắm bắt được nhu cầu của từng thị trường, từ đó có định hướng đúng công tác đào tạo và tuyển dụng nhân công cũng như việc thương lượng ký kết các hợp đồng XKLĐ.

Chính phủ Philippines, Thái Lan rất quan tâm tới việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của lao động nước mình nhằm mở rộng thị trường XKLĐ. Chẳng hạn kinh nghiệm của Philippines là giới thiệu lao động với đối tác nước ngoài thông qua việc lập trang Website, hay như kinh nghiệm của Thái Lan là mời các doanh nghiệp nước ngoài đến kiểm tra chất lượng nhân lực. Cả hai động thái này của Chính phủ Philippines và Thái Lan đều đem lại hiệu quả to lớn, các doanh nghiệp XKLĐ của họ đã gặt hái được nhiều thành công. Đây là bài học mà Việt Nam cần phải học hỏi trong thời gian tới vì hiện nay chúng ta còn yếu ở khâu này. 

Quan tâm đến năng lực cạnh tranh của lao động xuất khẩu

Ngày càng có nhiều nước tham gia vào thị trường XKLĐ quốc tế do họ nhận thấy những nguồn lợi nhận được từ việc XKLĐ.

So với lao động của các quốc gia khác như Philipines, Thái Lan, lao động Indonesia không những có chất lượng thấp, kém về ngoại ngữ mà còn bị thua thiệt hơn do những đặc điểm của một quốc gia Hồi giáo. Vì thế, lao động di dân Indonesia luôn phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện khó khăn với tiền công thấp. Nhưng các văn phòng tuyển mộ lao động và chính quyền Indonesia lại xem đây như là một lợi thế để quảng bá về lao động Indonesia trên thị trường lao động thế giới: Lao động Indonesia là lao động rẻ nhất và sẵn sàng làm việc 7 ngày trong tuần mà không cần một khoản tiền đền bù hay tiền thưởng nào. Vì thế, mặc dù số lượng LĐXK của Indonesia không ngừng tăng lên trong những thập niên gần đây nhưng tiền công họ nhận được luôn thấp so với tiền công của LĐXK các quốc gia khác. 

Kinh nghiệm của Philippines cho thấy, để có thể xuất khẩu được nhiều lao động và đặc biệt là thâm nhập được các thị trường khó tính thì cần nâng cao năng lực cạnh tranh của LĐXK. Năng lực cạnh tranh của lao động xuất khẩu được quyết định trước hết bởi chất lượng đào tạo của người lao động (trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ, tác phong làm việc, tính kỷ luật). Chính phủ Philippines coi hoạt động XKLĐ là một ngành công nghiệp nên luôn chú trọng đến chất lượng của lao động trước khi đi lao động ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng khâu đào tạo tiền xuất khẩu. Chính vì có chất lượng cao nên lao động của họ không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm những công việc phổ thông đơn thuần mà họ còn xuất khẩu được cả những lao động có trình độ như: y tá, giáo viên, thủy thủ.

Cùng với việc đào tạo lao động, tạo dựng hình ảnh của lao động trong mắt các nhà tuyển dụng nước ngoài cũng được một số nước làm rất tốt. Chẳng hạn Chính phủ Thái Lan đang cùng với các công ty XKLĐ nỗ lực để quảng bá về lao động với các phẩm chất: chăm chỉ, kỹ năng làm việc tốt, trung thực, tính kỷ luật cao. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm này của các nước bạn vì hiện nay lao động xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên không được đánh giá cao khi đi lao động ở nước ngoài.

Vũ Quỳnh