Quản lý kiểu “nắm đằng chuôi”

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 18:13 - Chia sẻ
Tăng cường cải cách, loại bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ là những mục tiêu cơ bản của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tuy vậy, nhiều điều khoản cụ thể của dự luật chưa thể hiện đúng mục tiêu này, thậm chí hiện đang được xây dựng theo hướng thuận cho quản lý nhà nước và khó cho doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ). Đơn cử như quy định về “thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm”.

Chính phủ khẳng định, quy định này sẽ tạo sự chuyển động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp phép, bảo đảm các doanh nghiệp sau khi được cấp phép luôn nỗ lực nâng cao năng lực, uy tín hoạt động, duy trì và phát triển mở rộng thị trường, chăm lo quyền lợi của người lao động do mình đưa đi và tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp. “Mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn đạt được nhưng với doanh nghiệp thì chỉ thấy thêm một gánh nặng”, ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói thẳng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế, khi tham gia thẩm tra dự án Luật, cũng có cùng quan điểm khi chỉ ra khá nhiều bất hợp lý liên quan đến quy định này. Trước hết là, ngay trong dự luật đã bổ sung, sửa đổi các điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp dịch vụ theo hướng chặt chẽ hơn cả về điều kiện tài chính, điều kiện đối với người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, ở mức độ nhất định, các điều kiện này đã hạn chế bớt các doanh nghiệp không đủ năng lực cung cấp dịch vụ. Việc quy định thời hạn giấy phép 5 năm, theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Kinh tế, “chỉ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp và không có nhiều giá trị gia tăng trong việc bảo đảm chất lượng hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ”. Bởi lẽ, không được gia hạn giấy phép thực chất không khác gì với việc bị thu hồi giấy phép. Trong khi đó, chế tài thu hồi giấy phép còn có điểm mạnh hơn là có thể áp dụng bất kỳ thời điểm nào, ngay khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm chứ không cần đợi đến hết thời hạn 5 năm để xem xét. Đó là chưa kể, với doanh nghiệp thì giấy phép, gia hạn giấy phép luôn là nỗi ám ảnh bởi thông thường đi kèm theo đó sẽ là nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà, là những chi phí phi chính thức mà chỉ doanh nghiệp biết - cán bộ quản lý biết và... trời biết.

Một ví dụ khác là quy định doanh nghiệp dịch vụ phải có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường lao động ở nước ngoài có nhu cầu rất đa dạng đòi hỏi kiến thức cần bồi dưỡng cho người lao động bao gồm từ học tiếng nước ngoài đến bổ túc nghề rất khác nhau. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ chủ yếu thực hiện liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo để bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, nhất là trường hợp doanh nghiệp tiếp nhận lao động có yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, đòi hỏi người lao động phải có chứng chỉ được cơ sở đào tạo chính quy cấp. Bao nhiêu doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của dự luật? Kể cả đáp ứng được thì hiệu quả có đạt được như mong muốn của cơ quan soạn thảo hay chỉ gây lãng phí nguồn lực và làm tăng chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp? Và nếu doanh nghiệp buộc phải tăng chi phí, tăng nguồn lực đầu tư thì người gánh chịu cuối cùng vẫn chính là người lao động - vốn đa phần hiện nay đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, để có chi phí đi xuất khẩu lao động, nhiều người trong số họ phải bán ruộng, vay ngân hàng, chồng chất nợ nần...

“Đừng lo doanh nghiệp được cấp giấy phép xong sẽ chây ỳ bởi trong nền kinh tế thị trường, nếu hoạt động không hiệu quả chúng tôi sẽ bị thua lỗ, bị loại khỏi thị trường. Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn cả vào doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động là chúng tôi đã phải xác định sống chết với doanh nghiệp”. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng, ông ủng hộ việc Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, tăng cường chế tài xử lý các doanh nghiệp có hành vi sai phạm và có biện pháp can thiệp trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại bởi hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp nhưng cũng phải hạn chế tối đa những chi phí, thủ tục không cần thiết làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là lĩnh vực phức tạp. Một doanh nghiệp cụ thể nếu để xảy ra sai sót, vi phạm thậm chí cũng có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ, hợp tác giữa nước ta và nước tiếp nhận lao động. Chính vì thế, quản lý chặt chẽ hơn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là yêu cầu chính đáng của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng hiệu quả quản lý nhà nước không thể đạt được chỉ bằng việc tăng cường các biện pháp giúp cơ quan quản lý nhà nước “nắm đằng chuôi” còn phần khó khăn lại đẩy về phía doanh nghiệp và người lao động. Đặt ra một chính sách mới hay gia cố một chính sách cũ, dù trong dự luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) hay bất kỳ một dự luật, một dự thảo văn bản pháp luật nào khác thì yêu cầu tiên quyết là phải tính cho cặn kẽ những tác động đa chiều của nó, đặc biệt là tác động với đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp.

 

Quỳnh Chi