Quản lý chất lượng không khí

- Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:27 - Chia sẻ
Để kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí, mới đây, một kế hoạch cụ thể về quản lý chất lượng không khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng chính là nội dung của Hội thảo triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, diễn ra sáng 22.9.

Ô nhiễm bụi vượt giới hạn

Số liệu tổng hợp của Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường cho thấy, các chỉ số ô nhiễm không khí ở một số thời điểm tăng cao đột biến. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… ô nhiễm không khí đều vượt mức quy chuẩn cho phép, trong đó ô nhiễm từ bụi là đặc biệt nghiêm trọng. Nồng độ các chất gây ô nhiễm độc hại như SOx, NOx, CO mặc dù chưa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về môi trường nhưng thông số bụi (PM10 và PM2.5) tại một số địa điểm và thời gian nhất định đã vượt QCVN từ 1 đến 3 lần và có dấu hiệu ngày càng tăng. Mức trung bình của bụi PM10 hàng năm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Lý giải nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, chủ yếu là do các hoạt động giao thông, hoặc từ các hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh. Cùng với đó quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là bụi và tiếng ồn. “Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm của Hà Nội đã vượt giới hạn cho phép”, ông Võ Tuấn Nhân nói.


Nguồn: ITN 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc. Cũng theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chất gây hại như các loại hạt chứa axit, kim loại, đất và bụi bẩn, sulfur oxit, nitrogen oxit trong không khí là nguyên nhân gây nên hiện tượng ô nhiễm lan rộng hiện nay. Các loại hạt này có thể gây ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim nếu một người tiếp xúc trong khoảng thời gian dài, khiến cho ô nhiễm môi trường trở thành mối đe dọa lớn thứ 4 đối với sức khỏe con người sau cao huyết áp, chế độ ăn uống và hút thuốc lá. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm.

Kiểm soát nguồn phát sinh khí thải

Trước thực trạng ô nhiễm không khí rất đáng báo động, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt với mục tiêu tổng quát là tăng cường quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Để làm được điều này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung cho biết, trước hết là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông.

Với nguồn phát thải công nghiệp xung quanh thành phố, đến năm 2020, kế hoạch đề ra phải bảo đảm 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo quy chuẩn; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học.

Song song với kiểm soát nguồn thải, Kế hoạch hành động quốc gia cũng đề ra mục tiêu về theo dõi chất lượng không khí; tăng cường giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC…

Đồng thời, để đạt được những mục tiêu quan trọng góp phần phòng ngừa và giảm thiểu phát thải ô nhiễm không khí, Kế hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật. Cùng với đó, rà soát, bổ sung, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến quản lý chất lượng không khí, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải, mức phát thải khí nhà kính cho các ngành sản xuất...

Mai Phương