Phòng là chính nhưng việc chống vẫn cần phải được thể hiện bằng những quy định sâu sắc hơn

- Thứ Ba, 15/11/2011, 15:46 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, hầu hết các ĐBQH đều tán thành việc cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên, đó không đơn thuần là việc nội lực hóa các công ước đã ký kết, gia nhập trong lĩnh vực rửa tiền, phòng, chống khủng bố, buôn bán ma túy xuyên quốc gia; không đơn thuần là lắp ghép các điều khoản công ước này vào Luật. Điều quan trọng là nội dung của dự án luật phải xuất phát từ thực tiễn của nước ta có hay không có việc rửa tiền để có quy định phù hợp và bảo đảm hiệu quả khi thực thi...

ĐBQH Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): Còn thiếu một số biện pháp rất quan trọng để phòng, chống hoạt động rửa tiền có hiệu quả

Cần phải thống nhất nhận định rửa tiền là hành vi rất nguy hiểm, không những gây hại cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của từng quốc gia, tác động nghiêm trọng đến sự trong sạch và hoàn chỉnh của hệ thống tài chính thế giới. Hành vi rửa tiền của bọn tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt, có thể qua biếu tặng, hối lộ và hành vi tham nhũng cũng thông qua việc rửa tiền.

Dự án luật soạn thảo khá công phu, luật hóa các quy định của pháp luật, các văn bản dưới luật và thể hiện các nghiệp vụ ngân hàng nhằm giúp nhận biết phát hiện hành vi rửa tiền qua giao dịch ngân hàng để ngăn chặn xử lý. Tuy nhiên, nếu thể hiện như dự án luật tôi còn băn khoăn vì chưa tương xứng với tính chất, hành vi, thủ đoạn và các hình thức rửa tiền của loại tội phạm này. Dự luật đề cập vấn đề còn tính mềm dẻo để phù hợp với điều kiện KT - XH của nước ta như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã thể hiện, nhưng không vì thế mà thiếu kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền. Tôi nhận thấy luật còn thiếu một số biện pháp rất quan trọng để phòng, chống hoạt động rửa tiền có hiệu quả. Đó là thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch tại Việt Nam, là hành vi rửa tiền thông qua rất nhiều hình thức như giao dịch ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, vàng bạc, đá quý... đặc biệt là đầu tư hạ tầng, nhà hàng, du lịch. Đó là hành vi tham nhũng, hối lộ, đó là biếu xén quà cáp, tiền...

Phạm vi điều chỉnh như luật quy định tôi đồng ý, đề cập đến tài trợ khủng bố trong luật là phù hợp, vì bọn tội phạm dùng tiền phi pháp có được để tài trợ cho hoạt động khủng bố. Khi có Luật Phòng, chống khủng bố sẽ nói nhiều đến các nghiệp vụ phòng, chống khủng bố. Nhưng ở đây đề cập đến vấn đề sử dụng đồng tiền có được phi pháp để tài trợ cho khủng bố tôi thấy cũng phù hợp.

Điểm g quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ quốc tế; trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan phòng, chống rửa tiền và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà dự luật quy định là giao đối tượng báo cáo tự xây dựng, ban hành nội bộ về quy định này theo tôi là chưa phù hợp. Hay là Điểm h quy định về đào tạo nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nếu để đối tượng báo cáo xây dựng và ban hành nội bộ thì tương tự như Điểm g sẽ không đáp ứng được yêu cầu về hoạt động phòng, chống rửa tiền. Tôi đề nghị hai nội dung này phải được luật hóa, quy định thành hai điều riêng để có cơ sở chế tài xử lý khi đối tượng báo cáo không thực hiện hoặc thực hiện chậm các quy định này...

ĐBQH Lương Văn Thành (Hải Phòng): Giá trị lớn là bao nhiêu?

Về phạm vi điều chỉnh, theo tôi luật chỉ nên quy định về phòng, chống rửa tiền riêng, về việc tài trợ khủng bố cần phải tách riêng và không đưa vào luật này. Bởi lẽ Luật Phòng, chống rửa tiền chủ yếu quy định về phòng ngừa các hành vi rửa tiền và xử lý vi phạm ở mức độ hành chính. Khi phạm tội ở mức độ nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo Điều 51 Bộ luật Hình sự. Việc tài trợ khủng bố, theo tôi đây thật sự là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia. Hành vi tài trợ cho khủng bố là hành vi nhằm chống chính quyền nhân dân, nên cần phải được nghiên cứu đầu tư quy định cụ thể. Mặt khác, QH cũng đã đưa dự thảo luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Về mức giao dịch phải báo cáo. Điều 21 của dự thảo luật quy định mức giao dịch phải báo cáo là có giá trị lớn và giao cho ngân hàng nhà nước quy định mức có giá trị lớn. Theo tôi quy định như dự thảo luật rất khó thực thi. Giá trị lớn là bao nhiêu? Tại sao lại giao cho Ngân hàng nhà nước quy định mức giá trị lớn? Tại Bộ luật Hình sự khi thực hiện gặp những khái niệm: hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có giá trị lớn cũng rất khó mới có thể được áp dụng. Gần đây đã được sửa đổi, bổ sung và đã định lượng hóa đối với một số loại tội phạm, thuận lợi cho việc điều tra, truy tố và xét xử. Nghị định 74 của Chính phủ ban hành ngày 7.6.2005 về phòng, chống rửa tiền cũng quy định giao dịch tiền mặt là trên 200 triệu đồng, gửi tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng phải báo cáo. Do đó Luật Phòng, chống rửa tiền cần phải quy định cụ thể một mức giá trị để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh phải sửa đổi nhiều lần theo tôi mức giao dịch phải báo cáo nên quy bằng hệ số tiền lương mức cơ bản để dễ điều chỉnh.

Về cơ quan phòng, chống rửa tiền, theo tôi nên quy định là cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an là phù hợp với các quy định hiện hành về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị): Dự thảo luật chưa đáp ứng được cách đặt vấn đề về sự cần thiết ban hành luật

Rõ ràng việc ban hành luật này là rất cần thiết. Nhưng theo dự thảo luật thì chưa đáp ứng được cách đặt vấn đề sự cần thiết của luật này. Theo tôi, tên luật nên là phòng, chống rửa tiền qua hoạt động ngân hàng của các tổ chức tài chính. Thực tiễn nước ta hoạt động rửa tiền chắc chắn đã xảy ra nhưng không phải qua các tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính. Vì nước ta có thị trường tiền mặt và các loại hàng hóa có giá trị như tiền hoạt động rất dễ dàng; mua, bán, chuyển nhượng rất dễ dàng. Nếu quy định như thế này thì không đáp ứng được việc phòng, chống rửa tiền ở trong nước. Tất nhiên cũng phải phòng, chống rửa tiền đối với các loại tội phạm quốc tế khi đưa vào rửa tiền ở Việt Nam. Vì vậy, tôi đề nghị cần thiết thì cần thiết, nhưng phải qui định cụ thể hơn, đặc biệt phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Về phạm vi điều chỉnh, luật chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền chứ không nên tài trợ khủng bố. Bởi vì đây là 2 hoạt động khác nhau, hai hình thức khác nhau. Tất nhiên trong tài trợ khủng bố có hoạt động rửa tiền, nhưng sau này chúng ta có luật về phòng, chống khủng bố thì sẽ đưa quy định này vào. Còn ở đây chỉ quy định về vấn đề rửa tiền mà thôi.

Về các quy định có liên quan đến công dân, trong dự thảo luật có quy định theo tôi là rất mới ở Việt Nam đó là quy định về cá nhân có nhiệm vụ chính trị tại Điều 13. Nhưng trong khái niệm ở đây thì cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo khái niệm tại Điều 3 chỉ là cá nhân được giao những chức vụ cao cấp trong bộ máy Nhà nước, của nước ngoài. Tôi đề nghị cần phải có khái niệm cụ thể hơn, rõ hơn, đặc biệt phù hợp với thực tiễn Việt Nam và cá nhân có ảnh hưởng chính trị này cũng có thể áp dụng cho người Việt Nam, chứ không phải chỉ có người nước ngoài.

ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội): Dự thảo luật chủ yếu quy định về phòng, chống rửa tiền...

Từ khi nước ta gia nhập WTO cũng như tham gia nhiều tổ chức quốc tế khác nhau về chống rửa tiền, tham gia vào nhiều công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, cho tới nay vẫn chưa có một vụ rửa tiền hoặc một vụ khủng bố nào được công bố là chính thức xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Dù vậy, sự ra đời của dự thảo luật trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định 74 về phòng, chống rửa tiền, nội luật hóa được các điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo 40+9 khuyến nghị của FATF phù hợp với thực tế của Việt Nam sẽ cùng với các bộ luật khác hiện đang được áp dụng trong đời sống thực tiễn của đất nước tạo nên hành lang pháp lý quan trọng trong việc phòng, chống hoạt động rửa tiền. Luật ra đời cũng đáp ứng được những đòi hỏi mới trong giai đoạn phát triển mới khi mà việc hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đất nước vốn đã trở thành một xu hướng tất yếu.

Tôi đồng ý với tên gọi của dự thảo luật là Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo Tờ trình của Chính phủ thì Luật Phòng, chống rửa tiền điều chỉnh cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Trên thực tế, nội dung của dự thảo luật này chủ yếu tập trung vào việc đưa ra những quy định về phòng, chống rửa tiền. Theo đó lấy phòng là chính và việc chống vẫn cần phải được thể hiện bằng những quy định sâu sắc hơn.

Nội dung chống tài trợ khủng bố trong dự thảo luật lần này được thể hiện rất mờ nhạt, mặc dù hoạt động phòng, chống rửa tiền và hoạt động chống tài trợ khủng bố theo Tờ trình của Chính phủ có nhiều điểm tương đồng. Nhưng theo tôi mối liên quan và tương đồng này ở diện hẹp, bởi có thể có nhiều biện pháp và cách thức khác nhau để tài trợ cho khủng bố. Trong đó tài trợ về tài chính thông qua hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng chỉ là một trong rất nhiều phương thức. Theo cam kết của Chính phủ với FATF thì việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố sẽ được tiến hành vào tháng 12.2011 và Luật Phòng, chống rửa tiền vào tháng 12.2012. Nên nếu việc chuẩn bị soạn thảo hai dự án luật này được sắp xếp một cách hợp lý hơn về thời gian và thứ tự ưu tiên thì nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố sẽ được sắp xếp vào dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, do Luật Phòng, chống khủng bố được soạn thảo và ban hành sau nên tôi nhất trí với đề nghị về việc cần xây dựng một điều nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền lần này. Những nội dung và quy định chi tiết về Luật Phòng, chống khủng bố sẽ do Luật Phòng, chống khủng bố quy định... 

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Cơ quan phòng, chống rửa tiền nên trực thuộc Bộ Công an

Theo dự thảo luật, cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và là đầu mối thu thập, chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền. Tôi đề nghị cơ quan phòng, chống rửa tiền là cơ quan trực thuộc Bộ Công an bởi vì theo khái niệm rửa tiền thì không chỉ liên quan đến các hoạt động của ngân hàng mà liên quan đến nhiều lĩnh vực tài chính khác cũng như các lĩnh vực khác liên quan đến nội dung này. Vì ở các cơ quan khác theo góc độ hoạt động chuyên môn của mình cũng chỉ phát hiện những dấu hiệu có tội về vi phạm rửa tiền, phát hiện dấu hiệu thông qua giao dịch đáng ngờ, bây giờ có tội hay không có tội thì phải tiến hành điều tra. Như vậy tất cả các cơ quan khác khi tiến hành nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến giao dịch mà phát hiện được giao dịch đáng ngờ thì đó chỉ là cơ quan cung cấp bước đầu về mặt hiện tượng. Còn điều tra xem có tội không, nguồn tiền, tài sản đó có phải phạm tội mà có không thì phải là cơ quan điều tra. Vì vậy để cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an sẽ hợp lý hơn và tất cả cơ quan có liên quan khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền có trách nhiệm cung cấp đến các cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an và cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an sẽ tiến hành các nội dung điều tra, xác minh, xem xét nguồn gốc tài sản đó có phải phạm tội không, nếu là phạm tội thì xử lý theo pháp luật là trách nhiệm của cơ quan tố tụng.

ĐBQH Trần Đình Long (Đăk Nông): Chưa xác định rõ hành vi rửa tiền ở trong nước là cái gì, là những hành vi gì

Luật này có lẽ chỉ giới hạn ở phạm vi điều chỉnh là các biện pháp phòng ngừa, phát hiện vấn đề rửa tiền. Về tài trợ khủng bố theo tôi nên quy định ở một luật khác sẽ phù hợp hơn.

Dự án luật mới thể hiện một phần về việc nội lực hóa các công ước đã ký kết, gia nhập trong lĩnh vực rửa tiền, phòng, chống khủng bố, buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Có nghĩa chúng ta có cách lắp ghép các điều khoản công ước này vào Luật Phòng, chống rửa tiền, do đó rất lẫn lộn. Nội dung của dự án luật xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, tình hình rửa tiền ở Việt Nam có hay không có, cần hay không cần phải ban hành luật này để đấu tranh phòng, chống việc rửa tiền ở Việt Nam.  Nội dung chính theo tôi nghĩ phải là việc đó, trên tinh thần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Chúng ta biết, ngoài hoạt động rửa tiền thông qua các tổ chức tài chính được xác định trong dự thảo luật này thì còn các giao dịch khác mà đối tượng rửa tiền cũng rất dễ dàng. Bởi vì mới chỉ đưa ra khái niệm rửa tiền bao gồm có tiền và các giao dịch về tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Mà các giao dịch tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp thì người ta có thể không thông qua tổ chức tài chính, ví dụ như việc mua bán, chuyển nhượng, thậm chí mua vé số trúng thưởng. Chúng ta chưa xác định rõ hành vi rửa tiền ở trong nước là cái gì, là những hành vi gì. Quan trọng nhất chỗ đó mà không xác định được thì không biết đối tượng nào sẽ áp dụng.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Chưa ai trả lời câu hỏi vì sao chúng ta có văn bản dưới luật điều chỉnh hiện tượng rửa tiền

Tôi thấy chưa ai trả lời câu hỏi vì sao chúng ta có văn bản dưới luật về vấn đề điều chỉnh hiện tượng rửa tiền. Đến bây giờ hầu như không thực thi được, cũng vì sao thế giới coi chúng ta như xứ sở lý tưởng cho việc rửa tiền? Ở đây chúng ta chỉ bàn một “cổng” duy nhất, “cổng” phổ biến nhất của thế giới là ngân hàng. Ở Việt Nam vô cùng nhiều “cổng” để rửa tiền. Chỉ cần mua một căn hộ cao cấp là có thể rửa hàng triệu đô la, mà hoàn toàn giao dịch bằng tiền mặt, thậm chí được khuyến khích khuyến mại nữa, thậm chí đến thuế nhà đó cũng không ai kiểm soát cả. Vì thế tôi nghĩ rằng, chúng ta không thực hiện được vì chúng ta quá nhiều “cổng”, đặc biệt là việc kỷ luật giao dịch tài chính và nếu ví dụ luật này có ra đời thì sẽ không cải thiện được tình hình, họ vẫn đi cửa khác, họ không đi cửa này.

Thứ hai, cách soạn thảo như thế này hơi đơn giản. Nếu tôi là người định rửa tiền, tôi đọc luật này xong tôi lách được ngay, vì tất cả những cảnh báo đối với việc rửa tiền đã trình bày hết ở đây rồi, cần phải chú ý tới cái gì, thấy hiện tượng gì...

Có lẽ bởi vì luật này giao cho ngân hàng soạn thảo cho nên ngân hàng dành cho mình quyền đó một cách hết sức vô lý. Bởi vì nếu như ngân hàng là một cái cổng để rửa tiền, tức là có khả năng biến thành cái máy rửa tiền thì việc bản thân ngân hàng phải tự quản lý chặt chẽ để mình không rơi vào rủi ro là đúng. Nhưng tất cả những nội dung trong bản điều luật này nó chỉ giống như là một quy chế của nội bộ ngân hàng để bảo vệ cho chính mình, chứ không thể để ngân hàng trong mối quan hệ giao dịch với khách hàng lại trở thành người thay mặt pháp luật điều chỉnh. Cho nên tôi nghĩ cơ quan thực hiện thực thi việc này phải là nằm ngoài ngân hàng và giám sát ngay chính ngân hàng. Vì không hiếm trên thế giới những ngân hàng là được dựng lên chủ yếu để rửa tiền. Nếu ngân hàng lại chính là cơ quan điều chỉnh pháp luật này thì rõ ràng là không phải chỉ "vừa đá bóng, vừa thổi còi" mà bản thân chính chúng ta giao cho họ một con dao hai lưỡi.

Để có thể giải quyết một cách căn bản thì phải có biện pháp, lộ trình và điều đã nói từ rất lâu rồi là kỷ luật giao dịch về tài chính. Còn sử dụng nhiều tiền mặt và vàng như thế này thì vô phương cứu chữa. Số phận của luật này cũng giống như nghị định cách đây 7 năm...

ĐBQH Phạm Trường Dân (Quảng Nam): Cần xem lại cách dùng một số thuật ngữ

Với tên gọi là Luật phòng, chống rửa tiền thì phạm vi điều chỉnh của luật là phòng, chống rửa tiền, không đưa nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố vào dự án luật này. Vì trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH Khóa XIII sẽ có dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Dự án Luật Phòng, chống khủng bố sẽ điều chỉnh toàn bộ nội dung phòng, chống tài trợ cho khủng bố. Tài trợ cho khủng bố có thể bằng tiền, tài sản, phương tiện, kể cả vũ khí, đạn dược, chất nổ. Tài trợ khủng bố có rất nhiều vấn đề khác nhau, cho đưa nội dung tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống khủng bố là đúng...

Dự thảo  Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 5 chương, 53 điều, như vậy là quá dài, có nhiều nội dung khó hiểu, bố cục không chặt chẽ, giải thích từ ngữ không rõ ràng, nếu đưa nội dung tài trợ khủng bố vào dự án luật này bị gượng ép. Theo tôi cần xem lại cách dùng một số thuật ngữ không nên dùng như "đáng ngờ", "nghi ngờ", "danh sách đen", "giá trị lớn" cần phải xem lại...

Minh Vân lược ghi