Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam

- Thứ Ba, 07/07/2020, 17:15 - Chia sẻ
Ngày 7.7, tại Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc xóm Đồng Cẩm, xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15.7.1950 - 15.7.2020). Đây là hoạt động do Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Cùng dự có: Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Lê Hiền Vân; đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng 270 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đại diện 63 hội thanh niên xung phong tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Di tích Quốc gia đặc biệt 27.7

Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại lịch sử truyền thống 70 năm hình thành và phát triển của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Cách đây 70 năm, tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Từ đội ngũ ban đầu chỉ có 225 cán bộ, đội viên, sau đó đã phát triển lên đến 30-40 nghìn người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu tại nơi công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh-Liệt sĩ

Ngày 20.3.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Liên phân đội 312 - Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đang làm nhiệm vụ tại Cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn), và tặng cán bộ, đội viên nơi đây 4 câu thơ nổi tiếng: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Kể từ đó, những răn dạy ấy của Bác đã trở thành phương châm sống và hành động của không chỉ thanh niên xung phong mà cho cả thế hệ trẻ Việt Nam.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều công lớn trên các chiến trường, chiến dịch lớn. Điển hình như các đội thanh niên xung phong chủ lực miền Bắc: Đội 34 và Đội 40, có 16.000 người, làm nhiệm vụ tại mặt trận Điện Biên Phủ, đã mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng nghìn tấn quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, tham gia cáng thương hàng trăm thương binh, tử sĩ, rà phá trên 100 quả bom, mìn, cứu được nhiều vũ khí, trang bị. Đặc biệt, có 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang bổ sung cho Quân đội, cùng bộ đội tham gia chiến đấu tại mặt trận, lập nhiều chiến công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ với các cựu thanh niên xung phong dự Lễ kỷ niệm

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn thanh niên xung phong đã xung phong ra tiền tuyến, mở 102 con đường chiến lược, với tổng chiều dài 4.130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; tham gia trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá; san lấp trên 100.000 hố bom; đào 1.135 km hầm, hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng. Lực lượng thanh niên xung phong còn tham gia phá, gỡ trên 100.000 quả bom các loại, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công và gần 1.000 tên địch; phá hủy 20 xe tăng, xe bọc thép, phục vụ bộ đội 1.000 trận đánh, đồng thời trực tiếp chiến đấu 40 trận, bổ sung 16.000 người sang quân đội; cáng, tải 2.077 thương binh, tử sĩ; đưa 18.000 lượt bộ đội vượt sông; cung cấp cho lực lượng vũ trang và Trung ương Cục miền Nam trên 500 cán bộ; 15.000 người được kết nạp vào Đảng; 52 người là Dũng sĩ diệt Mỹ; 1.432 người là Dũng sĩ Quyết thắng... Có 6.051 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh; 42.455 người bị thương; 18.000 thanh niên xung phong và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin.

Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu nghe giới thiệu về nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu cùng các cựu thanh niên xung phong và đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên đã dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ dưới chân Tượng đài Thanh niên xung phong; thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Di tích Quốc gia đặc biệt 27.7 - nơi công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự ra đời của Ngày thương binh liệt sỹ 27.7; thắp hương tri ân 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 hy sinh.

Hồng Sáng