Góc nhìn

Phía sau những dự án chỉ định thầu

- Thứ Năm, 04/06/2020, 09:10 - Chia sẻ
Tình trạng chỉ định thầu thiếu căn cứ, chưa đủ điều kiện; phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; chỉ định thầu không thực hiện đúng trình tự. Thậm chí, có tình trạng thương thảo, ký hợp đồng trước khi có quyết định chỉ định thầu… Đây là tồn tại được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, chỉ định thầu là một trong 7 hình thức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, chỉ trong một số trường hợp nhất định mới được phép thực hiện chỉ định thầu. Theo quy định của Luật Đấu thầu, chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng khi triển khai gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định…

Rõ ràng, chỉ định thầu được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án này đã bộc lộ những tiêu cực. Không ít chủ đầu tư đã lợi dụng chỉ định thầu không đúng quy định, gây hậu quả đáng tiếc. Đó là lợi dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực nhưng vì mối thân quen hay “gửi giá”. Chính sự bó hẹp thông tin khi thực hiện chỉ định thầu là mảnh đất màu mỡ cho các tiêu cực phát sinh. Sự cấu kết, lợi ích nhóm với những thỏa thuận ngầm rất khó kiểm soát từ việc triển khai các dự án này đã dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Bất cập trong chỉ định thầu đã từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 trong thực hiện các dự án BOT giao thông, đó là thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư… Với vai trò là "tư lệnh" ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã thừa nhận, việc kiểm soát chi phí đầu tư các dự án BOT chưa chặt chẽ, còn sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Việc thiếu công khai, minh bạch thông tin, việc lạm dụng hình thức chỉ định thầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm khi triển khai các dự án với hình thức chỉ định thầu dù rằng, việc thực hiện chỉ định thầu là hoàn toàn được pháp luật quy định. 

Để ngăn chặn tình trạng “lách” luật cũng như những vi phạm xảy ra trong công tác đấu thầu, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước. Chỉ thị cũng nêu rõ, nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước. Trường hợp phát hiện việc phân chia gói thầu không đúng với quy định của pháp luật về đấu thầu thì tổ chức, cá nhân vi phạm (chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị hoặc tổ chức tư vấn thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu) sẽ bị cấm tham gia hoạt động, đấu thầu theo quy định; đề xuất xử lý nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế không ít chủ đầu tư đã cố tình “lách” bằng cách chia nhỏ dự án để thực hiện với hình thức chỉ định thầu.

Không chỉ lĩnh vực xây dựng, nhiều lĩnh vực khác cũng đã “dính chàm” khi được các cơ quan chức năng sờ đến khi thực hiện chỉ định thầu. Hàng loạt vụ đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, gần đây nhất là những sai phạm về việc nâng khống giá trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan là hậu quả của việc chỉ định thầu không được kiểm soát.

Không khó để nhận ra ai sẽ được hưởng lợi từ những dự án chỉ định thầu thiếu minh bạch này. Để tiền ngân sách không chảy vào túi những kẻ tư lợi, rất cần một sân chơi bình đẳng thực chất cho các nhà thầu. Theo đó, cần phải hạn chế tối đa các dự án chỉ định thầu. Phải minh bạch thông tin về dự án, tăng cường đấu thầu rộng rãi qua mạng để người dân, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra. Chỉ khi thông tin công khai thì kinh phí đầu tư dự án chỉ định thầu mới không bị đẩy “lên trời” như đã từng xảy ra.

Lê Hùng