Phát triển hệ thống lưới truyền tải điện cần nguồn vốn rất lớn

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:31 - Chia sẻ
Tại hội thảo lần 2 về Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) ngày 28.9, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, đến năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện tăng gần 80.000 MW so với 2020 và nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cho phát triển nguồn và lưới điện khoảng 13 tỷ USD/năm. Để đáp ứng đủ điện, trong tương lai chúng ta sẽ phải nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Tổng công suất nguồn điện tăng 80.000 MW

Theo thông tin tại hội thảo, kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021 - 2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021 - 2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026 - 2030. Đến năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm gần 8.000 MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến tăng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng gần 30.000 MW. Tới năm 2030, công suất lắp đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000 MW và tới năm 2045 là 302.000 MW. Trong cơ cấu nguồn điện, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Để bảo đảm cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG; 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Cùng với đó, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 - 2030 trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.

Để đáp ứng nhu cầu giai đoạn tới, Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Việt Nam và các nước láng giềng để tăng khả năng nhập khẩu điện tới 2030. Tuy nhiên, theo ông Vượng, quá trình triển khai nhập khẩu điện chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện. Vì vậy, Quy hoạch VIII thể hiện chi tiết việc nhập khẩu điện.

Nói về kế hoạch xuất - nhập khẩu điện của Việt Nam đến năm 2030, bà Lê Thị Thu Hà, Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng cho biết, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc gần 2GW thông qua trạm BTB. Việc nhập khẩu từ Lào giai đoạn đến 2030 sẽ theo phương thức: Nhà máy điện Lào kết nối trực tiếp với lưới điện Việt Nam và độc lập với lưới điện nội địa Lào. Do vậy sẽ ưu tiên nghiên cứu xây dựng liên kết mua điện từ Lào và Trung Quốc về Bắc Bộ. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng liên kết Bắc Bộ với Bắc Lào thông qua xây dựng liên kết 500kV thông qua trạm BTB tại biên giới với tỉnh Houaphang, Xamneua để kết nối lưới 500 kV trung tâm Lào, mua điện từ nhiệt điện Houaphan và thủy điện Bắc Lào.

Cùng với đó, các nhà máy điện khu vực miền Trung Lào có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam (ví dụ các nhà máy nhiệt điện trong MOU gồm nhiệt điện Xieng Khoang, nhiệt điện La Man (700MW, tỉnh SeKong) và Nhiệt điện Baulapha (1.800 MW, tỉnh Xaphanakhet) sẽ được đấu nối lên lưới 500kV của Lào và truyền tải ra khu vực Bắc Lào để bán cho Việt Nam.

Ngoài ra, nghiên cứu mua thêm của Trung Quốc 3.000 MW thông qua đường dây 1 chiều về trạm 500kV Vĩnh Yên. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang thực hiện nhập khẩu thêm được 1.000 MW. Bên cạnh đó, xây dựng đường dây 500kV và trạm 500 kV bach-to-back để nhập khẩu thêm được 1.500 MW…

Toàn cảnh Hội thảo

Ảnh: An Thiện 

Nhấn mạnh các biện pháp tích trữ năng lượng

Vì  nhu cầu điện trong tương lai sẽ rất lớn, vì vậy nhiều cơ chế, chính sách đã được đề xuất, trong đó có cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện. Ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho hay, Quy hoạch điện VII đưa ra dự án, quy mô, chủ đầu tư nhưng sau đó thực tế triển khai khó kiểm soát tiến độ. Vì vậy, Quy hoạch điện VIII sẽ phải linh hoạt hơn, với những dự án chậm tiến độ sẽ có dự án bổ sung để thay thế; có cơ chế đầu thầu hàng năm để bảo đảm đúng lượng công suất vào năm đã định. Quy hoạch VIII sẽ thừa kế danh mục những dư án quan trọng, dự án lớn đang được triển khai ở Quy hoạch VII.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam lưu ý, cơ cấu nguồn đến 2030 có sự thay đổi mạnh mẽ khi điện năng lượng tái tạo vượt điện than. Cụ thể, nhiệt điện than chiếm 28%, còn năng lượng tái tạo chiếm tới 30% (14% điện gió, 14% điện mặt trời, 2% năng lượng khác). Trong khi đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo thời gian qua không phát được lên lưới điện hệ thống chiếm 20%. Vì vậy cấp thiết phải tính tới bài toán tích điện cho hiệu quả.

Cũng quan điểm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội Phạm Hồng Lương cho rằng, Quy hoạch điện VIII cần phải nhấn mạnh tới các biện pháp tích trữ năng lượng; Thiết kế hệ thống công suất truyền tải cần tích hợp công nghệ lưu trữ; Phải thiết kế các tiêu chí thiết kế lưới điện truyền tải quốc gia và thiết kế công suất giải tỏa năng lượng phù hợp; Phát triển nguồn tại chỗ, hướng tới cấp điện nông thôn vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, Quy hoạch phải có kịch bản thay thế.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét phát triển nguồn điện một cách cân đối, không để có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng, miền. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho hay, trong suốt 2 năm qua, khi giá FIT của năng lượng tái tạo hấp dẫn, các dự án được đăng ký ở miền Nam và Trung bộ rất nhiều, chỉ 3 - 5% đăng ký ngoài miền Bắc, do vậy cần cơ chế tính giá bán điện tính theo khu vực để bảo đảm cân đối vùng miền. 

An Thiện