Luật - những điểm mới: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều:

Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:27 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Kiện toàn lực lượng chuyên trách

Luật gồm 3 điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều và Điều 3 về hiệu lực thi hành.

So với Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung có 10 điểm mới. Cụ thể, Luật bổ sung 4 loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn nhưng chưa được quy định trong Luật hiện hành gồm: Gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán. Luật cũng bổ sung 5 loại công trình kè, chống xâm nhập mặn, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét vào nhóm công trình phòng, chống thiên tai quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Luật hiện hành.

Việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai thời gian qua cho thấy một số bất cập, phát sinh trong thực tiễn như lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai các cấp chưa được kiện toàn, thiếu chuyên nghiệp; bộ máy quản lý hiện có ở cấp tỉnh được sắp xếp lại nhưng vẫn hoạt động chủ yếu trong giai đoạn ứng phó thiên tai với tính chất kiêm nhiệm, chưa có đơn vị, bộ phận tham mưu chuyên sâu về phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai… Nhằm khắc phục thực trạng này, Luật đã kiện toàn, thống nhất lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai khi bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp xã, do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập trên cơ sở dân quân ở thôn, dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

Nhằm củng cố hoạt động của bộ phận tham mưu về công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương, Luật bổ sung quy định "Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc”. Quy định này vẫn bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 - NQ/TW, Nghị quyết 19 NQ/TW về cải cách tổ chức bố máy, tinh giản biên chế và chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 42 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 24.3.2020.

Luật hiện hành cũng chưa có quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai. Do đó, Luật mới bổ sung quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai nhằm chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi xảy ra thiên tai.

Nguồn: ITN

Bổ sung nguồn chi của ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai

Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định nội hàm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; Luật Đầu tư công năm 2014 quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Tuy nhiên, tại Luật Phòng, chống thiên tai không quy định nguồn chi đầu tư phát triển dành cho công tác phòng, chống thiên tai. Vì vậy, Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước và bổ sung quy định sử dụng Quỹ dự trữ tài chính trong hoạt động phòng, chống thiên tai cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành (Khoản 6). Theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, về kinh tế, việc bổ sung quy định nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước dành cho công tác phòng, chống thiên tai không làm phát sinh bộ máy quản lý nhà nước hiện có, tận dụng tối đa các quy định pháp lý, quy trình quy phạm hiện có. Về xã hội, giải pháp này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có; đồng thời không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không gây xáo trộn lớn về các quy định pháp luật.

Luật mới còn bổ sung quy định Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương nhằm tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ quốc tế trong phòng, chống thiên tai, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ngoài ngân sách nhà nước được kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, Luật quy định rõ về nguồn thu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai và giao Chính phủ quy định cụ thể, nhằm bảo đảm tính linh hoạt và thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 42 - CT/TW của Ban Bí thư để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, Luật bổ sung 2 điều mới về: Điều tra cơ bản; khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai. Đây là các hoạt động quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai cần bổ sung vào Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.

Nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, Luật bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình tại Điều 18a và sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Điều 19.

Về huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, Luật bổ sung thẩm quyền huy động, quyên góp, tiếp nhận của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh nhằm có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần. Sau khi tiếp nhận, các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chuyển giao nguồn lực đã vận động, quyên góp, tiếp nhận được cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND cấp tỉnh để phân bổ.

Bảo đảm an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt

Về sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều, Luật bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm bảo đảm an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Luật còn bổ sung quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm không gian thoát lũ, chứa lũ của tuyến sông, an toàn đê điều như đối với bãi sông đã quy định tại Điều 26, Điều 27.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Trong quá trình thực hiện, một số cầu mới được xây dựng ở những vị trí có khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn không nhất thiết phải làm cầu dẫn trên bãi sông mà vẫn có các giải pháp kỹ thuật khác bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.

Nhật An