Pháp điển hóa tại Mỹ: Xây dựng Bộ pháp điển pháp luật liên bang - quá trình gian nan

- Thứ Sáu, 19/03/2010, 00:00 - Chia sẻ
Với chức năng lập pháp của mình, ngay từ khi được thành lập, Quốc hội Mỹ đã ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Và ngay từ đầu, người ta đã nhận ra rằng nếu không tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật lại theo một hình thức nào đó thì việc tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật sẽ trở nên rất khó khăn. Vì vậy, vào cuối mỗi kỳ họp của Quốc hội Mỹ, tất cả các luật đơn hành (slip law) sẽ được xuất bản, đánh số thứ tự và đưa vào một bộ gọi là Bộ tổng tập các đạo luật của Mỹ (U.S. Statutes at Large). Tất cả các luật được ban hành từ năm 1789 đều nằm trong các tập của Bộ tổng tập này.

Tuy nhiên, do các đạo luật trong Bộ tổng tập được sắp xếp theo thứ tự thời gian chứ không phải theo các chủ đề nên việc tìm kiếm các văn bản không dễ dàng, nhất là trong điều kiện số lượng văn bản được ban hành hàng năm là rất lớn. Theo số liệu thống kê gần đây, riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội 104 (từ 1995 – 1997) và 105 (từ 1997 – 1999), số lượng trung bình các đạo luật được Quốc hội Mỹ ban hành hàng năm là 182 đạo luật. Người ta sẽ không tưởng tượng nổi sẽ phải mất khoảng thời gian như thế nào để lật tìm từng tập của Bộ tổng tập từ năm 1935 để tìm kiếm được tất cả các đạo luật sửa đổi có liên quan đến Đạo luật về An sinh Xã hội.

Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với các quy định pháp luật do Quốc hội ban hành, Quốc hội Mỹ đã tiến hành pháp điển hóa các văn bản quy phạm của mình. Quy trình này thực chất là việc tiến hành sắp xếp các quy phạm đang có hiệu lực do Quốc hội ban hành theo ba tiêu chí: tập hợp các luật gốc với các quy định sửa đổi, bổ sung được thông qua, sau đó trên cơ sở xem xét loại bỏ hoặc thêm vào các từ ngữ được thay đổi do sự sửa đổi, bổ sung đó; xếp lại với nhau tất cả các luật về cùng một chủ đề, loại bỏ các quy định đã hết thời hiệu, bị bãi bỏ, thay thế.

Bộ pháp điển đầu tiên chính thức được Quốc hội ban hành là Bộ các đạo luật được sửa đổi của Hợp chủng quốc Mỹ (Revised Statutes of the United States) được thông qua vào năm 1873. Bộ pháp điển này bao gồm toàn bộ các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực được sắp xếp lại theo các chủ đề và được ban hành để thay thế toàn bộ các văn bản đang có hiệu lực trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Bộ pháp điển này có rất nhiều lỗi kỹ thuật. Ngay trong quá trình đưa đi xuất bản thì người ta đã phát hiện ra có đến 69 lỗi. Sau đó một vài năm thì số lỗi còn lên đến con số 183 lỗi. Và vì vậy, sau đó thì Bộ pháp điển này đã không được cập nhật thường xuyên mà được đưa vào Bộ tổng tập các đạo luật của Mỹ như các văn bản đơn hành khác. Chính vì thế tình trạng khó tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Đến năm 1919, việc pháp điển hoá lại được khởi động trở lại với việc Ủy ban sửa đổi luật của Hạ Quốc hội đã chỉ định một số chuyên gia bên ngoài tiến hành tập hợp các quy phạm và pháp điển hoá. Kết quả là vào năm 1920, Bộ pháp điển này được Hạ Quốc hội nhất trí thông qua nhưng bị Thượng Quốc hội bác bỏ. Một năm sau, Bộ pháp điển, sau khi được chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật, lại một lần nữa được trình ra và được Hạ viện thông qua nhưng vẫn bị Thượng viện bác bỏ.

Năm 1924, sau khi chỉnh lý bản thảo và bổ sung thêm các quy phạm pháp luật được thông qua từ năm 1921, Bộ pháp điển một lần nữa được trình ra Quốc hội. Bộ pháp điển này bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực và được phân thành 50 chủ đề bao hàm các lĩnh vực trong xã hội được các đạo luật điều chỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban sửa đổi pháp luật của Thượng viện đã đề nghị không đưa Bộ luật này ra xem xét do “mặc dù đã được thực hiện một cách rất cẩn thận và không có sự nghi ngờ nào về năng lực của các nhà pháp điển hóa, nhưng Ủy ban của Thượng viện cũng đã phát hiện ra 600 lỗi kỹ thuật trong bộ pháp điển”. Giải pháp được Ủy ban sửa đổi pháp luật của hai viện đưa ra là kiểm soát một cách thật chặt chẽ nội dung của Bộ pháp điển bằng cách mời sự tham gia của hai nhà xuất bản tư nhân là West và Edward Thomson, vốn lúc đó đã nổi tiếng với việc phát hành các bộ pháp điển không chính thức, tham gia việc chỉnh lý Bộ pháp điển. Sau khi chỉnh lý xong, nội dung của Bộ pháp điển sẽ được các chuyên gia từ các cơ quan nhà nước và các giáo sư đại học kiểm tra.

Và để bảo đảm có đủ thời gian cho việc kiểm tra, soát lỗi của Bộ pháp điển, Ủy ban sửa đổi pháp luật của Thượng viện đã đề xuất ấn định một khoảng thời gian được gọi là “vùng chạng vạng” (twilight zone) theo đó trong khoảng thời gian này các quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trước đó chưa bị huỷ bỏ, còn Bộ pháp điển thì chưa được xem là một đạo luật thực định (positive law). Tuy nhiên, Thượng viện không chấp nhận giải pháp này mà chỉ chấp nhận Bộ pháp điển có giá trị chứng cứ ban đầu của luật (prima facie evident) tức là nếu có sự mâu thuẫn giữa quy định của Bộ pháp điển với các quy định của đạo luật gốc trong Bộ tổng tập các đạo luật của Mỹ (the U.S Statutes at Large) thì các quy định trong Bộ tổng tập được áp dụng.

Sau đó, trong quá trình chỉnh lý,  chuẩn hoá và cập nhật Bộ pháp điển, Quốc hội Mỹ đã thông qua dần dần các đề mục của Bộ pháp điển. Lần đầu tiên là vào năm 1947. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 24 đề mục của Bộ pháp điển được thông qua một cách chính thức tức là trở thành luận thực định của Mỹ (xem bảng dưới), và còn lại 31 đề mục khác đang được xây dựng và chỉ có giá trị chứng cứ ban đầu của luật.

Do có tình trạng tồn tại song song giữa các đề mục đã được thông qua và những đề mục chưa được thông qua nên việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy phạm pháp luật mới của Quốc hội Mỹ cũng phải có những thay đổi tương ứng. Cụ thể, khi Quốc hội Mỹ tiến hành sửa đổi một quy phạm pháp luật nào đó chưa thuộc đề mục được thông qua thành luật thực định thì quy định sửa đổi đó phải viện dẫn đến đạo luật gốc trong Bộ tổng tập. Ngược lại, nếu quy định đó thuộc đề mục đã được thông qua thì việc sửa đổi phải viện dẫn đến bộ pháp điển. Còn khi Quốc hội ban hành một quy định pháp luật mới thì cơ quan chịu trách nhiệm pháp điển hoá sẽ xem xét đưa quy định đó vào một đề mục phù hợp hoặc tạo ra những đề mục mới. Chẳng hạn, so với 50 đề mục ban đầu, hiện tại, Bộ pháp điển pháp luật Liên bang đã được bổ sung thêm 5 đề mục mới gồm: 51-Các chương trình vũ trụ thương mại và quốc gia; 52-Bỏ phiếu và Bầu cử; 53-Doanh nghiệp nhỏ; 54-Hệ thống công viên Quốc gia, và 55-Môi trường.

Hoàng Minh