Phân quyền cấp “sổ hồng” cho UBND huyện?

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:33 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện trên địa bàn thành phố có 63 dự án với 30.402 căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp “sổ hồng”. Để khắc phục tình trạng này, đại diện doanh nghiệp kiến nghị khi sửa Luật Đất đai 2013 nên phân quyền cấp “sổ hồng” cho UBND cấp huyện.

Chậm cấp sổ do “tắc” tiền sử dụng đất

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã rất nỗ lực để đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp “sổ hồng” cho khách hàng, song do vấn đề này lại “lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” nên còn tình trạng tắc, chậm. “Việc chậm cấp "sổ hồng" do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các chủ đầu tư không nộp được tiền sử dụng đất bởi vướng thủ tục pháp lý. Song, còn có nguyên nhân là do việc thực thi pháp luật của một số cán bộ công chức trong cơ quan chuyên môn vẫn còn nhiều bất cập. Một số quy định pháp luật vẫn chưa rõ ràng nếu không muốn nói là như đánh đố, làm cho cán bộ công chức lúng túng thực thi. Điều này không những khiến các chủ đầu tư dự án không thu được 5% giá trị hợp đồng còn lại mà còn bị mang tiếng bội tín với khách hàng”, ông Châu nói.

Hiện có hơn 30.000 căn hộ chưa được cấp "sổ hồng"

Nguồn Internet

 

Đại diện Tập đoàn Novaland xác nhận, hiện đơn vị này đang thực hiện hơn 40 dự án với hàng chục nghìn căn hộ và gặp nhiều vướng mắc về chính sách, pháp luật liên quan quản lý đất đai. Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý sử dụng đất, rà soát cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra thường xuyên khiến các sở, ban, ngành chưa tập trung xem xét thủ tục liên quan đến các dự án bất động sản, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Việc này khiến cư dân hoang mang, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhận định rằng khó khăn nhất là do vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, doanh nghiệp đang có 1 dự án (hơn 350 căn hộ) và 30 căn nhà đang bị chậm chưa được cấp “sổ hồng”. “Phía doanh nghiệp đã rất nhiều lần có văn bản đề xuất các cơ quan chức năng cấp “sổ hồng” cho 30 căn hộ này để bàn giao cho cư dân nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Theo quy định, các nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, thế nhưng đã nhiều năm nay chính sách ưu đãi này vẫn chưa được thực hiện ”, ông Nghĩa chỉ rõ.

Cùng tình cảnh, Tập đoàn Hưng Thịnh hiện có 13 dự án với 8.791 căn hộ cũng chưa được cấp “sổ hồng” do cũng vướng ở xác định việc nộp tiền sử dụng đất. “Trước đây, theo Luật Đất đai cũ, việc này do Sở Tài chính đảm nhận, nhưng từ khi Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP về quy định giá đất có hiệu lực, công tác này được giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, định giá đất và tổ chức thực hiện và tình trạng "tắc nghẽn” đã xảy ra”, Phó Giám đốc Trần Quốc Dũng chia sẻ.

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thừa nhận, việc giải quyết những vướng mắc về quyền sử dụng đất của các dự án hiện vẫn còn chậm. Nếu theo quy trình thì việc tính tiền sử dụng đất của một dự án không khó nhưng lại vướng ở phần kỹ thuật và pháp lý. Một dự án lớn thường phải kéo dài qua nhiều năm, trong khi cơ chế, chính sách lại có nhiều thay đổi. Do vậy, các dự án không tránh khỏi việc phải điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến vướng mắc trong việc định giá tiền sử dụng đất.

Nên phân quyền ký cấp “sổ hồng”

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề chậm cấp “sổ hồng” cho các căn hộ, chung cư không còn quá mới và không phải là vấn đề riêng của TP Hồ Chí Minh. Ông chỉ rõ, việc “tắc” tiền sử dụng đất có nguyên nhân từ cả phía cơ quan nhà nước lẫn chủ đầu tư. Do vậy, “có lẽ đừng bắt chủ dự án đầu tư là người đi làm sổ nữa mà cần tách biệt, coi đấy là việc giữa chính quyền và người mua căn hộ. Còn nếu chủ đầu tư vẫn là người cấp thì cần công khai quy hoạch, thời gian thực hiện dự án, lộ trình hoàn thành việc cấp “sổ hồng” cho người dân”. Về phía cơ quan nhà nước, cần minh bạch các điều kiện, thủ tục để chủ đầu tư dự án biết và thực hiện.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành dự án khu vực TP Hồ Chí Minh của Tập đoàn Novoland Nguyễn Lê Mỹ Hưng đề nghị, đối với các dự án chưa được định giá đất, UBND thành phố và các sở, ngành cần sớm xem xét, định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, trên cơ sở đó hoàn chỉnh hồ sơ cấp “sổ hồng” cho dân cư. Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng người dân chưa được xét cấp “sổ hồng”, các đơn vị chức năng cần nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân. “Doanh nghiệp cam kết sẽ đồng hành với cơ quan nhà nước để giải quyết một cách tốt nhất”, ông Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều đại diện cũng cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cần chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết cấp "sổ hồng" cho hơn 30.402 căn nhà trên địa bàn. Cùng với đó, sắp tới khi sửa Luật Đất đai 2013, nên phân quyền việc ký cấp “sổ hồng” cho các quận, huyện thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thuận tiện hơn. Nếu được giải quyết nhanh sẽ giảm bức xúc cho người dân, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Hạnh Nhung