Chính sách và cuộc sống

Phản biện xã hội trong xây dựng luật

- Thứ Hai, 01/06/2020, 07:19 - Chia sẻ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung nhiều quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật như: Quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản; văn bản phản biện xã hội phải được gửi kèm hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền…

Tôi đánh giá cao các nội dung đã được bổ sung này nhưng đề nghị không nên thể hiện như tại Điều 6 dự thảo Luật mà tách riêng thành một quy định độc lập về thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, với một quy trình chặt chẽ, mang tính chính trị sâu sắc. Quy trình này có chủ thể, tính chất, mục đích, nguyên tắc, phạm vi, phương pháp thực thi được quy định cụ thể, trách nhiệm chủ thể được phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội được nêu rõ, hoạt động tổ chức đối thoại được yêu cầu trong quy trình. Vì vậy, tôi kiến nghị quy định thành một điều độc lập, trong đó thể chế các vấn đề quan trọng có liên quan trong Quyết định số 217 về trách nhiệm của các chủ thể về quy trình và nguyên tắc thực thi phản biện xã hội.

Việc thể chế hóa trong dự thảo Luật như vậy sẽ tăng cường cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo có chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như yêu cầu khi ban hành Quyết định số 217.

Bên cạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo tôi, cần bổ sung chủ thể thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật là các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định như vậy sẽ bảo đảm thể hiện toàn diện chủ thể thực hiện phản biện xã hội, thể hiện theo quy định của Đảng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng thời với việc nêu rõ các đoàn thể chính trị - xã hội là chủ thể thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật, tôi kiến nghị bổ sung các quy định để tạo hành lang pháp lý thực hiện cơ chế này như đang thể hiện tại Chương VI về hoạt động phản biện xã hội Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổng kết 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chúng ta đã nhìn nhận việc thực hiện Điều 6 về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Điều 7 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số điều luật có liên quan nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Trong đó, cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả. Nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến và việc tiếp thu giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Tôi thống nhất với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho rằng những hạn chế, bất cập này chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện. Cũng có thể nhìn nhận mức độ tuân thủ của các cơ quan liên quan ở nội dung này là chưa cao. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới đối với các cơ quan hữu quan trong thực thi trách nhiệm, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của luật về việc lấy ý kiến, tham gia ý kiến, tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang)
L. Anh