Góc nhìn

Phải trả lời câu hỏi phân vùng để làm gì?

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:43 - Chia sẻ
Theo phương án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai Luật Quy hoạch, có 2 phương án phân vùng.

Phương án một giữ nguyên 2 vùng là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tách vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Đồng thời tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, điều chỉnh 1 tỉnh sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh. Phương án 2 được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay; tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Đồng thời mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Quy hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh, hoặc một huyện, liên tỉnh, liên huyện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Đồng thời làm nổi bật những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề. Vậy nên câu hỏi ở đây là sau quy hoạch sẽ như thế nào? Liệu rằng có phải phân vùng chỉ để phân vùng chứ chưa có ý nghĩa thực sự trong đầu tư, chính sách phát triển. Nhiều vùng thành ra "câu lạc bộ vui vẻ" chứ không phải chỉ đạo vùng, liên kết vùng, chính sách vùng - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, hiện nay quy hoạch vùng còn mờ nhạt, hiệu quả kết nối chưa cao và không còn phù hợp với tình hình phát triển mới. Bởi vậy, cần thiết phải điều chỉnh lại.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải trả lời được câu hỏi phân vùng để làm gì chứ nếu quy hoạch vùng xong rồi chỉ để họp hành, cộng số liệu, hứa hẹn, vui vẻ với nhau mà không có thể chế nào để liên kết vùng thì không có ý nghĩa. Thứ nữa là cơ quan quản lý và điều hành vùng, chính sách tài khóa cho vùng và cơ chế ràng buộc liên kết vùng... Bởi vậy cái cần là nghiên cứu thể chế, cải cách cơ chế tài khóa để tránh tình trạng không có nguồn lực dành cho phát triển vùng như hiện nay.

Hiển nhiên việc phân vùng và quy hoạch cụ thể từng vùng phải dựa trên nền tảng cốt lõi là khai thác được, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng chứ không phải phân vùng là xong.

Khánh Ninh