Phải thấy rõ ý chí Việt Nam

- Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:26 - Chia sẻ
Mặc dù trong điều kiện giãn cách xã hội, giảm đi cơ sở, tiếp xúc trực tiếp với người dân, song Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội khá toàn diện. Ghi nhận điều này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, cần thể hiện rõ nét hơn bối cảnh rất đặc biệt của những tháng đầu năm 2020 khi cả đất nước đã phòng, chống và kiểm soát có hiệu quả đại dịch toàn cầu Covid-19, qua báo cáo, phải thấy rõ ý chí Việt Nam.

Thể hiện rõ bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020

Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp đã thể hiện khá toàn diện 3 nhóm ý kiến, kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; về công tác xây dựng Đảng và Nhà nước. Ủy ban Trung ương MTTQ cũng đưa ra 5 nhóm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Cử tri và nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị có liên quan về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng lo lắng trước tình hình suy giảm của nền kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng tới  tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bất bình và lên án một số cán bộ đã lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cử tri và nhân dân có nhiều băn khoăn về việc thay đổi và điều chỉnh về phương án thi tốt nghiệp phổ thông trung học và phương thức tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2020 - 2021...

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi xây dựng dự thảo Báo cáo này trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, giảm đi công tác cơ sở và tiếp xúc trực tiếp với người dân.


Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, năm 2020 là năm rất đặc biệt. Trong gần 35 năm đổi mới, chưa khi nào nước ta phải đứng trước thách thức rất lớn như đại dịch Covid-19. Từ khủng hoảng tài chính vào năm 1997 đến khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu vào năm 2008 đều không có sự ảnh hưởng lớn như đại dịch Covid-19. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự kiến tăng trưởng âm. Kinh tế nước ta vì thế chịu tác động lớn và chưa đánh giá hết được. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày tại Kỳ họp thứ Chín tới cần thể hiện rõ bối cảnh rất đặc biệt này. Hơn nữa, qua các hệ thống thông tin và ý kiến cử tri đã cho thấy có nhiều vấn đề nổi lên, khi có số lượng doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, kinh doanh tăng, nhiều người lao động không có công ăn việc làm, xuất nhập khẩu lương thực và các mặt hàng khác đang gặp nhiều khó khăn… Báo cáo cần bám sát hơn và phản ánh đầy đủ hơn nữa tâm tư, ý kiến của cử tri và nhân dân trước những tác động của đại dịch Covid-19.

Thiếu vắng kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được phản ánh trong dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý đến “khó khăn kép” của nước ta hiện nay khi hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số khu vực khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, chưa bao giờ trong lịch sử đồng bằng sông Cửu Long và ở một số khu vực khác lại khô hạn như hiện nay. Nước bị nhiễm mặn đến mức còn mặn hơn cả nước muối nên khi đưa vào máy lọc nước, mỗi gia đình cũng chỉ được 60 lít nước trong ngày để ăn uống. Người dân vẫn phải tắm nước mặn.


Chuyến bay của Vietnam Airlines đón gần 300 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 về nước ngày 22.4
Nguồn: ITN

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo Báo cáo còn hơi mờ nhạt ý của cộng đồng doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của các cử tri là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, chủ các cơ sở dịch vụ, hộ buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa... cần phải đưa vào báo cáo chứ không chỉ nói ý kiến của cử tri và người dân chung chung. Đặc biệt là những kiến nghị của doanh nghiệp về việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết những thủ tục hành chính để sau khi dịch hết doanh nghiệp làm ăn phục hồi kinh tế nhanh.

Ngoài ra, dự thảo Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng chưa đề cập đến sự đoàn kết, lòng yêu nước và dang tay giúp đỡ nhau của người dân Việt Nam trong thời gian qua. Đó là việc nhiều cây ATM gạo được lập ra để “chia cơm sẻ áo”, thể hiện những hình ảnh đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, khiến nhiều bạn bè quốc tế ngỡ ngàng. Hay như, việc Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ với công dân đang sinh sống ở quốc gia, vùng dịch trên thế giới, sẵn sàng đưa máy bay để đón người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước; các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động, từ đang may quần áo thời trang chuyển sang may khẩu trang để gửi tặng cho nhiều quốc gia trên thế giới. “Những hành động, việc làm này trong thời gian ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ được báo cáo của Chính phủ đưa ra, nhưng cử tri, người dân Việt Nam nhìn vào tình hình kinh tế - xã hội như thế nào cần được thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thêm, bám sát và phản ánh đầy đủ hơn nữa tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020, từ đó, cho thấy rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí của người dân Việt Nam và của cả hệ thống chính trị. 

Lê Bình