Phải chặn “bệnh quan liêu"

- Thứ Năm, 16/07/2020, 19:36 - Chia sẻ
“Tại sao những địa phương cùng cơ chế chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch. Là do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức sáng nay (16.7).

Câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến nhiều thời gian qua. Ở nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc đối thoại, câu hỏi “tiền đâu” luôn là một bài toán khó. Đây là vấn đề thường được đặt ra khi địa phương, bộ, ngành đề cập về phát triển của ngành mình, bộ, ngành mình. Tuy nhiên, đang có một mâu thuẫn là, tiền có rồi, nhưng có một số bộ ngành, địa phương vẫn không tiêu được. Tiền “xin” về nằm đó, không giải ngân được đang gây nên sự lãng phí nguồn lực. Điều đó cho thấy, việc quản lý, sử dụng đồng vốn đầu tư công của chúng ta chưa thực sự hiệu quả.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã từng nhiều lần làm nóng nghị trường. Trước diễn đàn Quốc hội, khi còn là thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã rất thẳng thắn thừa nhận, chúng ta không phân bổ hết dự toán, tức là chúng ta có tiền mà không tiêu hết được. Đây là một trong các nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Dù nguyên nhân khách quan, chủ quan, hay xảy ra ở bộ, ngành, địa phương nào, thì đây vẫn thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Chính phủ nhận thức trước Quốc hội và cam kết sẽ chấn chỉnh trong thời gian tới.

Không chỉ làm lãng phí nguồn lực, việc đủng đỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công cũng đặt ra những hoài nghi không đáng có. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận từng đặt câu hỏi: điệp khúc giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhắc lại trong các báo cáo, nhưng việc khắc phục chậm, phải chăng do thắt chặt thủ tục đầu tư? do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất động lực của các chủ đầu tư hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác? Điều này cần được Chính phủ làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công”.

Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với “nỗi niềm” của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, bởi câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư như đại biểu nhìn nhận là “biết rồi, nói mãi”.

Không phủ nhận, thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Trong nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng đã rất “sát sạt” với tình trạng này. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn xảy ra. Có tiền mà không sử dụng được đã kéo dài nhiều năm, lặp đi lặp lại, gây ách tắc trong triển khai dự án trọng điểm. Trong khi đó, có địa phương, bộ, ngành cần tiền để triển khai dự án lại không có.

Dù năm nay, giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn, đạt trên 20%, tăng so cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân. Vậy những địa phương chậm giải ngân lý do vì sao? Vướng do thủ tục, do thực thi hay do sự thờ ơ của người đứng đầu? Hay do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, chỉ nói chung chung?

Để chấm dứt tình trạng này, với những địa phương, các bộ ngành giải ngân chậm cần có những chế tài cụ thể. Theo đó, ngoài chỉ đích danh trên các phương tiện truyền thông, cần có chế tài với người đứng đầu mỗi bộ ngành, địa phương khi để xảy ra tình trạng giải ngân ì ạch. Coi tiến độ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, đánh giá năng lực người đứng đầu.

Đã đến lúc chúng ta không thể nương nhẹ với những trường hợp chậm giải ngân vốn đầu tư công. Bởi suy cho cùng, đó là những đồng tiền đóng góp của nhân dân. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình.

Muốn làm được điều này, thiết nghĩ cần phải chặn cho được “bệnh quan liêu”, “nói chung chung” của người đứng đầu bởi những chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Hà An