Pakistan nỗ lực ra khỏi "danh sách xám"

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 23:19 - Chia sẻ
Cuộc họp chung lưỡng viện của Quốc hội Pakistan vừa thông qua 3 đạo luật quan trọng liên quan đến Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), như một phần nỗ lực nhằm thoát khỏi danh sách của cơ quan liên chính phủ giám sát rửa tiền, tài trợ khủng bố và các mối đe dọa khác đến tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu được thành lập từ năm 1989 này.

Được biết Tổng thống Pakistan Arif Alvi đã phải triệu tập cuộc họp nói trên sau khi Thượng viện bác bỏ dự luật Chống khủng bố (sửa đổi) năm 2020, khiến nó trở thành đạo luật thứ ba liên quan đến FATF bị phe đối lập ngăn chặn. Theo dự luật này, các nhân viên điều tra, với sự cho phép của tòa án, có thể tiến hành các hoạt động bí mật để phát hiện tài trợ khủng bố, theo dõi hệ thống liên lạc và máy tính bằng cách áp dụng các công nghệ mới nhất trong 60 ngày. Tòa án có thể gia hạn 60 ngày nữa. Dự luật cho rằng, tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố là trở ngại lớn đối với sự phát triển của đất nước, là mối đe dọa đối với hòa bình của đất nước cũng như các nước đồng minh.

Tháng trước, dự luật Phòng, chống rửa tiền (bản sửa đổi thứ hai) và Dự luật Tài sản Waqf trong lãnh thổ thủ đô Islamabad cũng bị Thượng viện bác bỏ (Waqf là tài sản được nhân danh Thánh của người Hồi giáo cho các mục đích tôn giáo và từ thiện). Trong khi đó, ba dự luật lại là nỗ lực của Pakistan để chuyển từ “danh sách xám” của FATF sang “danh sách trắng”. Theo Đài phát thanh Pakistan, dự luật Tài sản Waqf nhằm mục đích quản lý, giám sát các tài sản Waqf phù hợp trong giới hạn lãnh thổ của thủ đô Islamabad, còn dự luật Phòng, chống rửa tiền  năm 2020 “nhằm hợp lý hóa luật chống rửa tiền hiện hành phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế do FATF quy định”.

Theo Tu chính án thứ 18 của nước này, một dự luật có thể trở thành luật chỉ khi được hai viện thống nhất thông qua. Phát biểu trước phiên họp chung của lưỡng viện, Thủ tướng Pakistan Khan cho rằng “thái độ” của phe đối lập vừa qua đối với các dự luật thể hiện “lợi ích của [các đảng đối lập] và các nhà lãnh đạo của họ đối lập với lợi ích của Pakistan”. “Nằm trong danh sách đen đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt, nền kinh tế của chúng ta sụp đổ. Chúng tôi từng hy vọng sẽ cùng phe đối lập thông qua luật liên quan đến FATF vì Pakistan, không phải vì lợi ích cá nhân”, ông nhấn mạnh.

FATF đưa Pakistan vào “danh sách xám” vào tháng 6.2018, đồng thời yêu cầu chính quyền Islamabad thực hiện kế hoạch hành động để hạn chế rửa tiền và tài trợ khủng bố vào cuối năm 2019, nhưng đã được gia hạn do đại dịch Covid-19. Được biết, nếu tiếp tục nằm trong “danh sách xám”, Pakistan sẽ khó nhận được viện trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Liên minh châu Âu... 

Ngọc Minh