Nửa thế kỷ + 1 năm

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:01 - Chia sẻ
Tháng Tư này, tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” (QKNĐ) tròn một tuổi. Cái “Quân khu” không có trong phiên hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam giờ đây đã trở nên quen thuộc, ngay với cả những người đọc không cùng ký ức. QKNĐ trên thực tế, tính đến nay dễ cũng đã có tuổi đời nửa thế kỷ. QKNĐ văn chương vì vậy có thể tính là nửa thế kỷ +1. Ở tuổi +1, QKNĐ vừa được tái bản lần thứ 10, đưa con số bản in lên 23.500 bản (chưa kể 500 bản đặc biệt bìa cứng in riêng). Một con số không thể không khiến những người làm sách và các nguyên mẫu mỉm cười…

Một người viết giấu mặt

 “Lịch sử hay là số phận đã khiến những đứa con của lính không có một tuổi thơ trọn vẹn, không có sự dạy dỗ đầy đủ của cha và sự chăm sóc của mẹ, không có một tổ ấm đúng nghĩa thông thường. Nhưng lịch sử hay số phận cũng đã cho họ những trải nghiệm đặc biệt, những tình bạn đặc biệt, những bài học trả bằng cả tương lai, và những câu chuyện đẹp đẽ cảm động mà chỉ người trong cuộc, bằng tình nghĩa và khí chất đàn ông mới ghi lại được”

Chuyện tưởng đã kịp chìm sâu vào dĩ vãng, vì chiến tranh đã qua lâu, vì các khu tập thể quân đội trên cả nước đã dân sự hóa qua 3 - 4 lần thay đổi chủ nhân, vì người lính và cuộc sống hậu chiến không còn là thời sự, là bức xúc hay là dòng chủ lưu trên văn đàn, phim ảnh, báo chí... bỗng đột ngột trở lại. Đầu tiên là chân thật, hài hước và dung dị, rồi, như một làn sóng, nó lan tỏa với hàng ngàn hàng vạn lần chia sẻ trên mạng xã hội, hàng trăm cuộc tìm kiếm và hàng chục cuộc tái ngộ, rất đông, rất vui, cũng rất nhiều nỗi niềm.

Có rất nhiều người đã hỏi tác giả QKNĐ nghĩ gì khi bắt đầu viết? Điều gì đã khiến một người từng cương quyết cự tuyệt yêu cầu, cũng là niềm mong mỏi của người cha - một nhà văn quân đội nổi tiếng, muốn con mình nối nghiệp, lại lần đầu tiên trong đời, chịu ngồi xuống kể câu chuyện thời thanh xuân của mình và bạn bè? Tác giả, hết sức “thật thà”, thủy chung không chịu xuất hiện với tên thật và chân dung hiện tại trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, khẳng định ông không định viết tiểu thuyết mà chỉ kể một câu chuyện dạng “tự truyện tập thể”. Rằng ở đó, tất cả những gì ông bịa ra đều đã đọc trực tiếp hoặc mail cho nguyên mẫu để xin ý kiến và được các đương sự khẳng định “còn thật hơn sự thật”. Rằng, ông thậm chí không nghĩ mình có thể viết kín một mạch 400 trang giấy chứ đừng nói chuyện hấp dẫn hay bán chạy...

Tất cả đều có vẻ quá tự nhiên, có cái gì đó được số phận xô đẩy, nhưng theo một cách tốt đẹp nhất.

“Những người con của lính”

Rất nhiều lần, QKNĐ của một thuở đã gặp lại nhau. Vị tướng ngồi cạnh anh chàng đi tù về. Mệnh phụ phu nhân ngồi cạnh anh hàng nước. Cô bé tắm truồng trong bể cạn ngồi cạnh anh hùng phi công. Họ đều kể câu chuyện ngày xưa của mình, câu chuyện được gợi ra từ một chi tiết rất nhỏ trong QKNĐ - tác phẩm. Những câu chuyện dài hơn, buồn cười hơn, nhiều chi tiết hơn, đau đớn hơn, thảm khốc hơn, lâm ly hơn. Rất nhiều lứa đôi lỡ duyên đã gặp lại nhau nhờ QKNĐ. Rất nhiều tình bạn đã được nối lại, nhiều tình cảm đồng đội, hàng xóm láng giềng đã được sưởi ấm, ai cũng bảo: Lại như ngày xưa. Kỳ diệu nhất là thế hệ F1, F2 của QKNĐ cũng chịu đọc cuốn sách về ông bà, cha mẹ họ. Đầu tiên là đọc, rồi ngạc nhiên, rồi khóc, cười, và sau cùng là tự hào và suy nghĩ. Hóa ra, tinh thần và khí chất người lính là cái gì có thật, tồn tại, thậm chí mang tính di truyền.

Sau QKNĐ là khí thế lan tỏa đến các quân khu khác: Lý Nam Đế, 28 Điện Biên Phủ, 3B Ông Ích Khiêm, 1A Hoàng Văn Thụ, K95... Quân khu nào cũng ra sức chứng minh hội của mình ngày xưa oách hơn, nổi hơn, dũng cảm hơn, hào sảng hơn…; cũng gặp gỡ, hội họp, lưu niệm, kỷ yếu... Nhưng họ chưa có QKNĐ - tác phẩm, được tái bản 10 lần. Họ cũng không có “Những người con của lính”, bài hát do chàng ca sĩ - nhạc sĩ thắp lửa Trần Lập viết và cất giọng trước một cử tọa đặc biệt: hơn 1.000 “lính quân khu” các thế hệ cùng hòa giọng.

 Lịch sử hay là số phận đã khiến những đứa con của lính không có một tuổi thơ trọn vẹn, không có sự dạy dỗ đầy đủ của cha và sự chăm sóc của mẹ, không có một tổ ấm đúng nghĩa thông thường, nhưng lịch sử hay số phận cũng đã cho họ những trải nghiệm đặc biệt, những tình bạn đặc biệt, những bài học trả bằng cả tương lai, và những câu chuyện đẹp đẽ, cảm động mà chỉ người trong cuộc, bằng tình nghĩa và khí chất đàn ông mới ghi lại được.

Trong QKNĐ có nhiều cái dang dở, nhiều thứ chưa nói hết, nhiều con đường chưa đi đến tận cùng, nhiều tính cách bỏ ngỏ. Có thể, đấy là cách xử lý của người viết cố tình từ chối sự chuyên nghiệp. Cũng có thể vì sự kín đáo của nguyên mẫu. Và cũng có thể vì bản thân câu chuyện dạng hồi ức tập thể khó dung chứa cái gì quá gay gắt, quá khốc liệt, quá buồn bã... Nhưng cũng đã khá đủ để người trong cuộc và kẻ hậu sinh nhìn về một thời đã qua chưa xa lắm và hiểu nó.

Một tháng Tư nữa lại về, tháng Tư có một ngày lễ gọi là ngày Thống nhất. Để có ngày này, rất nhiều người đã ra đi và không bao giờ về. Nhiều người trong số họ là chủ những mái ấm vắng hơi đàn ông trong QKNĐ. Họ đã và sẽ luôn được nhớ đến, trong hiện tại và tương lai, vì họ có những người con như thế, những người con của lính, những người mang tinh thần của họ, theo mãi, qua rất nhiều thế hệ…

 Trò chuyện cùng tác giả

- Mọi người hỏi quá nhiều về QKNĐ rồi, tôi chỉ muốn hỏi một câu hơi tò mò chút thôi: Ngoài nhân vật Hòa mà ai cũng khẳng định là nguyên mẫu tác giả, Ngọc là type nhân vật khá lạ, anh ta đam mê và cực kỳ am hiểu về nghệ thuật cây cảnh, Ngọc có phải là một phiên bản khác của tác giả không?

- Nếu được, tôi thích bị nhầm là Ngọc hơn. Ngọc là nhân vật có thật, thế hệ chúng tôi có nhiều người như Ngọc, lên đường nhập ngũ vui vẻ, nhẹ nhàng và thanh thản khi ngã xuống. Ngày đó chúng tôi không có internet toàn cầu để tuyên ngôn những điều to tát khi đất nước lâm nguy như các bạn trẻ bây giờ tuyên ngôn trong phòng máy lạnh. Chúng tôi sống đơn giản như cha mẹ mình đã sống, và làm những gì thấy cần phải làm.

Đúng là tôi có một niềm đam mê riêng là cây cảnh từ mấy chục năm nay nên tôi có thể mô tả rõ nhân vật Ngọc chăm sóc cây cảnh thế nào. Một tác phẩm bonsai đẹp, không chỉ mang tới một bức tranh toàn mỹ về thiên nhiên, mà còn để lại nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống. Nếu có điều gì làm tôi tự hào, đó chính là vườn cây cảnh trên sân thượng của tôi. Một vườn cây do tôi chăm sóc, dưới sự chỉ bảo của nghệ nhân Phạm Xuân Khang, người trong mắt tôi là nghệ nhân số 1 về cây cảnh Hà Thành. Một vườn cây không tốn tiền mua, nhưng rất đẹp và được gửi gắm vào trong đó biết bao ý tưởng và đam mê.

- Anh khẳng định rất nhiều lần anh không viết tiếp QKNĐ 2, 3 nữa. Nhưng hình như chiến tranh và người lính là sự quan tâm và nỗi day dứt di truyền trong gia đình những người lính cầm bút. Với anh có vẻ cũng không ngoại lệ. Anh có thể hé một chút bí mật về những quan tâm sau QKNĐ?

- Đúng là tôi rất quan tâm đến số phận những người lính trong và sau chiến tranh, những sự thật lịch sử đằng sau các trận chiến, sau những con số thống kê về chiến thắng, tổn thất, thương vong, số lượng đạn bom, vũ khí... Chiến tranh đã lùi đủ xa để chúng ta bình tĩnh và khách quan hơn, nhưng cũng phải nhanh lên trước khi các nhân chứng già đi, lẫn lộn các sự kiện, con số, tên người... Tôi chưa thể nói về một việc chưa xảy ra. Tôi chỉ có thể chia sẻ như vậy mà thôi.

Thu Hà