Nới lỏng nhưng không buông lỏng

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:33 - Chia sẻ
Để bảo vệ môi trường hiệu quả và bền vững, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất không bắt buộc các doanh nghiệp duy trì chế độ quan trắc định kỳ, mà chỉ áp dụng đối với những các cơ sở có hành vi xả chất thải, nguồn tiếp nhận chất thải bị ô nhiễm bất thường hay có khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường.

Trải… “chiếu xanh”

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải... vẫn tồn đọng nên tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị... ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Đơn cử, mới đây, Công ty TNHH liên danh Lever Việt Nam có trụ sở tại thị xã Mỹ Hào bị UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt hơn 700 triệu đồng do làm ô nhiễm môi trường, trong đó có hành vi xả nước thải vượt quá quy chuẩn trên 10 lần. Đây chỉ là một trong số ít những doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, mặc dù có kết quả quan trắc chất thải định kỳ đạt quy chuẩn, nhưng chỉ khi các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra mới phát hiện vi phạm.

Đề xuất thay đổi cơ chế quản lý môi trường theo phương thức quản lý rủi ro.
Nguồn: ITN

Nếu doanh nghiệp không thực hiện quan trắc định kỳ, rất khó để phát hiện ra những sự cố môi trường. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp đã hoàn thành việc đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải, nước thải đầu ra đáp ứng các yêu cầu, nhưng trong quá trình vận hành vẫn có thể xảy ra những sự cố gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc phân loại doanh nghiệp phải thực hiện quan trắc định kỳ không đơn giản.

Ông Trần Văn Miều - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Để góp phần giải quyết tình trạng này, tại Dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất thay đổi cơ chế quản lý môi trường theo phương thức quản lý rủi ro. Theo đó, tăng cường giám sát, theo dõi đối với những cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không bắt buộc các doanh nghiệp duy trì chế độ quan trắc định kỳ, mà chỉ áp dụng đối với những các cơ sở có hành vi xả chất thải, nguồn tiếp nhận chất thải bị ô nhiễm bất thường hay có khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường.

Lý giải về đề xuất trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây không phải là sự buông lỏng quản lý, bởi trước nay tất cả dự án, từ dự án trong lĩnh vực ô nhiễm nhất, nguy cơ ô nhiễm cao nhất cho đến các dự án thân thiện với môi trường nhất đều phải làm thủ tục như nhau. Trong khi đó, những dự án ô nhiễm chỉ chiếm 20%, với khoảng 300 - 400 doanh nghiệp nhưng chiếm đến 80% ô nhiễm ở nước ta; còn 80% các dự án là dự án thân thiện với môi trường. Do vậy, cần thiết phải phân loại dự án, trải “chiếu xanh” và bỏ thủ tục, không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Còn các dự án gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm, sẽ được phân loại để tập trung quản lý, thông qua công nghệ thông tin, hậu kiểm thay cho tiền kiểm.

Ngoài quy định “miễn” quan trắc định kỳ, tạo hành lang thông thoáng những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường, nhưng siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao về ô nhiễm môi trường; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn đề xuất điểm mới trong việc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả. Điều này cũng hạn chế thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Nhưng không buông lỏng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, đề xuất “miễn” quan trắc định kỳ không chỉ bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về giám sát hoạt động quản lý xả thải của các doanh nghiệp, mà còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, ước tính giảm khoảng 20.000 tỷ đồng/năm.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, để quy định khả thi cần phải phân chia các doanh nghiệp dệt may thành 2 nhóm để có những biện pháp đánh giá quản lý môi trường phù hợp. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp may và dệt, nguồn nước xả thải không gây ảnh hưởng đến môi trường thì việc giảm tần suất quan trắc định kỳ tại doanh nghiệp sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp dệt nhuộm, trong nước xả thải có nhiều hóa chất liên quan đến mùi và màu nhuộm cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Để giám sát doanh nghiệp chấp hành các quy định bảo vệ môi trường có thể thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau, song quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả. Về lâu dài, việc ứng dụng công nghệ vào trong giám sát bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu, song với sự đa dạng về quy mô, loại hình, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, để ứng dụng công nghệ một cách đại trà không phải dễ. Do đó, để bảo vệ môi trường hiệu quả và bền vững, bên cạnh việc “miễn” quan trắc định kỳ, nới lỏng các điều kiện về đầu tư mở rộng, phát triển cho những doanh nghiệp đơn vị sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường hay thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; cũng cần có sự giám sát thường xuyên từ các cơ quan chức năng và phát huy sự giám sát của cộng đồng dân cư xung quanh các cơ sở, doanh nghiệp - nơi mà ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Hiểu Lam