Chính sách và cuộc sống

Nỗi bất an mang tên BOT, BT

- Thứ Tư, 03/06/2020, 07:06 - Chia sẻ
Hàng loạt vi phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT đã được Kiểm toán Nhà nước báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín thêm một lần nữa khiến người dân không khỏi bất an với BOT và BT.

Kiểm toán 11 dự án BOT trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai tăng tổng mức đầu tư; thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa bảo đảm quy định hợp đồng BOT hoặc chưa bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; góp vốn chủ sở hữu chậm, xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý; sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án; lập thiết kế - dự toán còn sai sót…

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 513,9 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1... Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7 dự án lên tới 56,4 năm so với phương án ban đầu. Trong đó, dự án cầu Hòa Trung giảm 15,8 năm, dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc giảm 7,5 năm…

Các dự án BT thậm chí còn nhiều vi phạm hơn nữa khi kết quả kiểm toán 28 dự án tại các địa phương cho thấy, hầu hết dự án đều chỉ định nhà đầu tư, có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án. Đó là chưa kể, các dự án chủ yếu là do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định; lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền.

Cùng với đó là tình trạng phê duyệt điều chỉnh một số nội dung không đúng quy định và còn sai sót; phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT; phê duyệt điều chỉnh dự án chưa xác định rõ nguồn vốn hợp pháp khác; ký hợp đồng BT sau khi nhà đầu tư đã thực hiện thi công và ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung chi phí lãi vay từ thời điểm phê duyệt quyết toán dự án BT đến thời điểm được giao đất dự án đối ứng không phù hợp quy định; ký hợp đồng không bảo đảm nguyên tắc ngang giá (điển hình là dự án hệ thống tuyến đường nhánh giai đoạn 2 Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh: Quyết định dự kiến giao quỹ đất thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư với giá trị 1.100 tỷ đồng để thanh toán cho hợp đồng BT với giá trị 312 tỷ đồng).

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương vẫn phê duyệt, giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính; giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn nhiều tồn tại, bất cập... Trên cơ sở kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 1.260,2 tỷ đồng, xử lý khác 1.316,1 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỷ đồng và giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý gần 7.500 tỷ đồng tại 37 dự án.

Những con số và những vi phạm điển hình trong các dự án BOT, BT được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trên đây cho thấy, các lỗ hổng cả về pháp lý và đặc biệt là trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT vẫn chưa được bịt lại dù Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường giám sát, Chính phủ đã tăng cường quản lý, chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các cơ quan nhà nước và chính quyền các địa phương. Vì sao lại như vậy? Vì luật pháp vẫn còn lỗ hổng và vì chế tài xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm chưa tương xứng với lợi ích mà họ có thể đạt được từ các vi phạm.

Rõ ràng, những lỗ hổng này phải tiếp tục được rà soát và “bịt” lại, phải minh bạch hóa tối đa các dự án BOT, BT, đặt các dự án này dưới “tầm ngắm” sát sao của cộng đồng, của người dân. Nhưng quan trọng hơn và có thể làm ngay được là phải xử lý nghiêm, kịp thời các cán bộ, bộ, ngành, địa phương vi phạm, không nên và không được phép chỉ “rút kinh nghiệm” như nhiều trường hợp vừa qua. Nếu không, tham nhũng, thất thoát tài sản công đối với các dự án BOT, BT sẽ vẫn diễn ra. Và nỗi bất an của người dân khi nhắc đến các dự án BOT, BT chắc chắn sẽ chưa thể giải tỏa được.

Nguyễn Bình