Thực hiện Chương trình OCOP Ba Vì, Hà Nội

Nỗ lực và thành công

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:49 - Chia sẻ
Sau hơn một năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Đây được đánh giá là nỗ lực và thành công không nhỏ của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở kết quả bước đầu đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 có thêm 16 - 20 sản phẩm được thành phố xếp hạng OCOP.

 Điển hình ở Nông trại xanh Ba Vì

Trong số 9 sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì có 6 sản phẩm được làm từ sữa thuộc về HTX Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa). Được thành lập từ năm 2016 với 7 thành viên, đến nay, HTX hiện đã có 15 thành viên, chăn nuôi 200 con bò với số vốn điều lệ khoảng hơn 20 tỷ đồng. Theo Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì Tạ Việt Hùng, HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mô hình hoạt động bao gồm: Trang trại nông nghiệp hữu cơ mẫu, trang trại trải nghiệm; nhà máy chế biến sữa; nhà máy bao bì; nhà máy phân bón hữu cơ; hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm; hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của HTX.

Đây là một trong những mô hình nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, giúp bảo đảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo các thành viên HTX, nguồn thức ăn cho 200 con bò được phục vụ tại chỗ từ 25ha cỏ tự trồng. Mỗi buổi sáng, sau khi thu hoạch cỏ tươi sẽ chuyển về xưởng chế biến của HTX. Ngoài cỏ, nguồn thức ăn cho bò còn được phối trộn cám ngô, cám mỳ, đỗ tương và thức ăn ủ chua của các chuyên gia dinh dưỡng. Việc phối trộn thức ăn cho bò sữa có nhiều tác dụng đó là bò tiêu hóa tốt, giảm mùi trong chuồng nuôi, giảm tế bào gây bệnh viêm vú. Nước uống của bò là nước uống chức năng sinh học Bio của Hàn Quốc, giúp tạo ra những Ion âm rất tốt cho sức khỏe. Bò còn được theo dõi sức khỏe theo hệ thống vi tính hóa, có hệ thống thư giãn 24/24 giờ, được nghe nhạc…

Không chỉ tỉ mỉ từ các khâu chọn giống, chăm sóc đàn bò mà quá trình thu hoạch, chế biến sữa cũng phải trải qua khá nhiều khâu đòi hỏi kỹ thuật và độ an toàn cao. Toàn bộ sữa khi vắt ra khỏi cơ thể bò được đưa vào bồn trung chuyển và được lọc sữa, sau đó chuyển vào làm lạnh, thời gian 5 phút. Nhờ những quy trình “khắt khe” đó, các sản phẩm như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua nếp cẩm, caramen, bánh sữa nhãn hiệu Trang Viên của HTX Nông trại xanh Ba Vì vài năm trở lại đây là món ăn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Mỗi năm, HTX sản xuất ra khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm.

Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì Tạ Việt Hùng chia sẻ, để bảo đảm quy trình chăn nuôi, chế biến sản phẩm đúng kỹ thuật, đạt chất lượng cao, hàng năm, HTX tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ, tư vấn nhiều nội dung thiết thực trong cách chăn nuôi bò sữa hiện đại cho các thành viên HTX. Theo đó, các kỹ thuật từ việc lựa chọn con giống bò sữa, thực phẩm và cách chế biến thực phẩm cho bò sữa, chế độ dinh dưỡng cho bò sữa trong từng thời kỳ cũng như công nghệ và kỹ thuật vắt sữa, bảo quản sữa, cách vệ sinh chuồng trại… đều được triển khai, giúp các công đoạn sản xuất chế biến sản phẩm của HTX được bảo đảm.

Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm từ sữa mang thương hiệu Trang Viên đã khá quen thuộc do HTX đã chú trọng đến bao bì, nhãn mác, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm trở nên thuận lợi hơn, doanh thu của các thành viên HTX ngày càng được nâng cao. Hiện, HTX đang sản xuất 8 sản phẩm từ sữa với doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm. Không chỉ đem lại thu nhập cao cho thành viên, HTX Nông trại xanh Ba Vì còn có nguồn quỹ, kịp thời hỗ trợ thành viên khi gặp khó khăn, cũng như có nguồn vốn mở rộng, phát triển sản xuất. Ông Hùng phấn khởi chia sẻ: “Có 6 sản phẩm sữa nhãn hiệu Trang Viên đạt tiêu chuẩn 4 sao là niềm tự hào của HTX trong suốt 4 năm nỗ lực. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở sản xuất để giữ vững và thăng hạng sao cho sản phẩm, đặc biệt luôn coi trọng chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước”.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của HTX Đầu tư Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì  

Ảnh: Tường Vy

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Nhờ tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể được hỗ trợ hoàn tất về mặt thủ tục chứng nhận chất lượng, xây dựng tem nhãn, bao bì hàng hóa, nhất là công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Điều này giúp sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định được thương hiệu và đến gần hơn với người tiêu dùng. Để chủ động thực hiện chương trình, huyện Ba Vì yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để xây dựng, hướng tới đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, sau hơn một năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, gồm: Sữa tươi thanh trùng không đường Trang Viên, sữa tươi thanh trùng có đường Trang Viên, sữa chua trắng Trang Viên, sữa chua nếp cẩm Trang Viên, caramen Trang Viên, bánh sữa Trang Viên; 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao, gồm: Gà đồi Ba Vì, mật ong thiên nhiên Vinh Hoa, tinh bột nghệ nếp đỏ Trung Năng. Đây là thành công không nhỏ của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở kết quả bước đầu đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 có thêm 16 - 20 sản phẩm được thành phố xếp hạng OCOP.

Hiện nay, các sản phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì khá đa dạng và đang được người tiêu dùng đón nhận, như: Sữa, gà đồi, bò thịt, đà điểu, chè, khoai lang, miến dong, mật ong, rau, thanh long, chuối, bưởi, nhãn, thủy sản các loại… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 17 làng nghề truyền thống như chè, nón, thuốc nam, chế biến tinh bột; 5 vùng sản xuất rau tập trung; vùng nuôi trồng thủy sản tại 5 xã. Ngoài ra còn nhiều các sản phẩm du lịch trải nghiệm, văn hóa, làng họa sỹ nghề mộc... Đây được coi là điều kiện tốt, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tại các địa phương, thúc đẩy các sản phẩm OCOP của huyện.

Hiện nay, huyện Ba Vì đã có 11 chủ thể với 20 sản phẩm đã đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Để đạt được mục tiêu có thêm từ 16 - 20 sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình OCOP, từ đó tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện sẽ thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể; tiếp tục phát triển sản phẩm có tiềm năng, ưu tiên sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại địa phương; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đào Cảnh