Những phát hiện khảo cổ học mang dấu ấn lịch sử, văn hoá

- Thứ Ba, 29/09/2020, 22:28 - Chia sẻ
Ngày 29.9, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020. Hơn 340 tài liệu về khảo cổ học được công bố tại Hội nghị.

Những phát hiện có giá trị to lớn

Theo GS.TS Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, kể từ Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54, một năm trôi qua mặc dù còn nhiều khó khăn do bệnh dịch Covid-19 nhưng những hoạt động khảo cổ học vẫn diễn ra sôi nổi trên địa bàn cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới đa dạng và có giá trị to lớn. 

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành trao quà lưu niệm tặng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Trong nhưng thành quả đó có thể kể tới những hoạt động nổi bật và có tiếng vang lớn như: tiếp tục có những phát hiện mới về hệ thống di tích Đá cũ An Khê (Gia Lai) thuộc chương trình hợp tác Việt Nga, đánh giá khẳng định thêm một bước giá trị của di tồn văn hoá đá cũ An Khê; có thêm nhiều phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hoá của con người cùng di tồn văn hoá thời Tiền sử ở Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên bái, Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình…; tiếp tục triển khai, khai quật khu di tích Vườn Chuối (Hà Nội); phát hiện mới tại các cuộc khai quật, nghiên cứu tại khu vực điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh); tiếp tục triển khai, hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hoá Óc Eo-ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ)...

Điểm nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học một năm qua là phát hiện, khai quật 2 khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Đây là sự kiện quan trọng thứ hút sự quan tâm đông đảo giới nghiên cứu, của Trung Ương, của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hải Phòng, của dư luận xã hội và nhân dân cả nước.

Có thể khẳng định, trong khoảng một năm qua, phát huy thành quả của các giai đoạn trước, ngành khảo cổ học thu được những thành quả đáng ghi nhận, khẳng định giá trị các nền văn hoá, văn minh, văn hiến Đại Việt gắn với những chiến công lừng lẫy chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đồng thời, tư vấn các cơ quan quản lý văn hoá và một số địa phương tiến hành công tác quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị khảo cổ và di sản văn hoá. Tiêu biểu cho hoạt động này là phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng, UBND huyện Thuỷ Nguyên xây dựng thành công Khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ.

Quang cảnh hội nghị

Dấu tích chiến trận Bạch Đằng 

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình khẳng định, Hải Phòng không chỉ là trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nhân loại với 879 di tích. Từ sự phát hiện của nhân dân, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các nhà khoa học, đã phát hiện ra các dấu tích vật chất của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng tại bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thành phố quan tâm đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên sẽ được khánh thành vào đầu tháng 10.2020, chào mừng Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Đây là phát hiện có ý nghĩa lớn của lịch sử thành phố, là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, nơi tạo nên nguồn cảm hứng mãnh liệt trong mạch nguồn lịch sử của dân tộc ta “Mỗi dòng sông đều muốn hoá Bạch Đằng”. 

Những giá trị to lớn nhiều mặt gắn với các địa danh đó góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử, làm nên những huyền thoại của một dân tộc anh hùng, minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, khẳng định vị trí và vị thế quan trọng của đất và người Hải Phòng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta qua nhiều thế hệ.

Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên

Hội nghị lần này đã nhận được 341 bài viết gồm: 105 bài viết về Khảo cổ học Tiền sử, 166 bài viết về Khảo cổ học Lịch sử, 48 bài viết về Khảo cổ học Champa – Óc Eo.  Đặc biệt, trong số 16 bài viết về Khảo cổ học dưới nước có 8 bài liên quan đến 2 cuộc khai quật bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng tại xã Liên Khê và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Bãi cọc Cao Quỳ qua 2 lần khai quật đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Tại bãi cọc Đầm Thượng đã phát hiện 38 cọc gỗ cùng nhiều di vật thu được từ các hố khai quật như đồ sắt, dây chão... Từ kết quả khai quật khảo cổ học và kết quả xác định niên đại tuyệt đối đối với mẫu cọc gỗ phát hiện được cùng nguồn tư liệu liên ngành, bước đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Di tích bãi cọc Cao Quỳ là trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 của quân dân triều Trần.

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ, các báo cáo khảo cổ học công bố tại hội nghị được thực hiện công phu, nghiêm túc, có nội dung phong phú. Đó chính là những thông tin khoa học mới, bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam. 

Nguyên An