Chất vấn tại Hạ viện Australia

Những nhân vật chính

- Thứ Sáu, 28/10/2011, 07:41 - Chia sẻ
Những người tham gia chính trong phiên chất vấn ở Hạ viện Australia là Thủ tướng và các bộ trưởng. Họ là những người nhận hầu hết tất cả các câu hỏi.


Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser trong một phiên chất vấn

Tất cả các bộ trưởng đều cần hiện diện tại phiên chất vấn và sẵn sàng để trả lời các câu hỏi thuộc trách nhiệm của mình, ngoại trừ trường hợp bị ốm hoặc phải giải quyết những công việc cấp bách. Nếu một bộ trưởng vắng mặt tại phiên chất vấn tại Hạ viện, Thủ tướng sẽ thông báo cho Hạ viện trước khi diễn ra phiên chất vấn và yêu cầu một bộ trưởng khác nhận câu hỏi dự định được gửi tới bộ trưởng vắng mặt. Những bộ trưởng là thượng nghị sỹ có thể không tham dự phiên chất vấn tại Hạ viện, nhưng trong thời gian đó họ phải trả lời câu hỏi của các thượng nghị sỹ tham gia vào phiên chất vấn tại Thượng viện. Tất cả các lĩnh vực đều có thể chịu sự giám sát: Thủ tướng sẽ chỉ định một bộ trưởng tại Hạ viện để nhận câu hỏi thay cho vị bộ trưởng tại Thượng viện và ngược lại.

Những nghị sỹ ngồi ở những hàng ghế sau  - phe đối lập, các nghị sỹ trung lập – có thể đặt câu hỏi đối với các bộ trưởng. Thủ lĩnh của phe đối lập và các bộ trưởng trong “chính phủ bóng” cũng là những người tham gia chính. Trong khi thủ lĩnh có thể đặt đa số các câu hỏi của phe đối lập thì các bộ trưởng trong “chính phủ bóng” chỉ đặt các câu hỏi đối với những người đồng nhiệm của họ trong Chính phủ.

Một nghị sỹ cũng có thể đặt câu hỏi đối với một nghị sỹ khác không là bộ trưởng. Câu hỏi phải liên quan đến một dự luật, một kiến nghị hoặc một vấn đề trong chương trình nghị sự, hoặc liên quan đến một ủy ban mà vị nghị sỹ được hỏi phụ trách. Mặc dù hiếm khi các nghị sỹ khác bị đặt câu hỏi, song đôi khi các vị chủ nhiệm ủy ban có thể bị chất vấn về công việc của ủy ban họ. Nhìn chung, các bộ trưởng không đặt câu hỏi đối với các bộ trưởng khác hoặc hỏi các nghị sỹ ngồi các hàng ghế sau. Tuy nhiên, đôi khi họ có thể đặt câu hỏi đối với Chủ tịch Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện có vai trò hết sức quan trọng chủ tọa các phiên họp ,trong đó có phiên chất vấn là thời gian ầm ĩ và dễ gây hấn nhất trong ngày làm việc. Không khí cũng như tốc độ của phiên chất vấn đòi hỏi Chủ tịch Hạ viện phải có những quyết định nhanh liên quan đến hình thức và nội dung câu hỏi và bản chất của câu trả lời. Việc tạm ngừng thường xuyên được các thành viên phe đối lập yêu cầu – đặc biệt là liên quan đến tính phù hợp của câu trả lời. Chủ tịch Hạ viện là người phải quyết định có cho tạm ngừng không khi được yêu cầu, chứ không đợi cho đến khi kết thúc phiên chất vấn. Chủ tịch Hạ viện cũng có thể bị hỏi sau phiên chất vấn. Những câu hỏi này thường liên quan đến trách nhiệm điều hành, song thường là các nghị sỹ tận dụng thời gian này để xem xét lại những quyết định về mặt thủ tục mà Chủ tịch đưa ra trong phiên chất vấn.

Các cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn đến cách thức mọi người hiểu về phiên chất vấn, nếu không muốn nói là cách thức mà phiên chất vấn được thực hiện. Người dân Australia khi xem những trích đoạn về các phiên chất vấn trong mục tin tức trên truyền hình thường phê phán tính chất của phiên chất vấn và đặc biệt là cách hành xử giữa nghị sỹ với nghị sỹ và đôi khi là với Chủ tịch. Thật không may là phiên chất vấn này, vốn không phải là tiêu biểu cho cách thức mà các nghị sỹ làm việc với nhau tại Hạ viện, lại được nhiều người hiểu là Hạ viện trên thực tế.

Hoài Thu