Chính sách và cuộc sống

Nhổ cỏ tận gốc

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:22 - Chia sẻ
Ngày 12.5 vừa qua, Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản có chứa điều kiện kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định bất hợp lý, không cần thiết.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bãi bỏ giấy phép và điều kiện kinh doanh là liều thuốc tốt giúp phục hồi nền kinh tế, lại “có sẵn” trong tay Chính phủ và không gây tốn kém ngân sách. Vì vậy, Nghị quyết 68 - ra đời ở thời điểm này - một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề là việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong giai đoạn tới đây có đạt được những kết quả thực chất hơn so với từ đầu nhiệm kỳ đến nay hay không?

Nhìn lại thời gian qua, các bộ, ngành dù đã cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý nhưng việc này vẫn nặng về tính hình thức và bệnh thành tích, chưa khiến doanh nghiệp hài lòng. Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là Xu hướng chủ đạo của giai đoạn này, thể hiện ở tỷ lệ đơn giản hóa cao hơn hẳn so với cắt giảm hay bãi bỏ. Nhiều trường hợp chỉ là thay đổi câu chữ, cách diễn đạt, gộp các điều kiện nhỏ lại nhưng vẫn tính vào con số thành tích cắt giảm. Lại có những điều kiện không phải cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan. Đặc biệt, tinh thần cải cách chưa thực sự ngấm vào những nghị định ban hành để quản lý một số lĩnh vực mới.

Trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tuy năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3,5 điểm nhưng dấu hiệu tham nhũng lại giảm 10 bậc so với năm 2018 và đứng gần cuối bảng (vị trí 101). Cần lưu ý rằng, sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức với doanh nghiệp thông qua những quy định mang tính “cài bẫy”, “làm khó” cũng là một dạng thức tham nhũng.

Quay lại với Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp kỹ thuật mới, có ứng dụng công nghệ. Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ ngay trong năm nay phải tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh. Phần mềm này phải cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính toán được chi phí tuân thủ các quy định hiện hành của tất cả các bộ, ngành. Mọi động thái cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh và biến động chi phí tuân thủ cũng phải được cập nhật vào phần mềm này - rất thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả cải cách của từng bộ, ngành.

Tuy vậy chừng đó cùng với những giải pháp “tăng cường chỉ đạo”, “đẩy mạnh tuyên truyền”, “nâng cao nhận thức” chưa đủ để “nhổ cỏ tận gốc”. Cần một cách tiếp cận khác trong công cuộc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đó là Chính phủ phải xác lập được nguyên tắc quản lý đối với các hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đề ra điều kiện kinh doanh giải trình rõ điều kiện đó nhằm mục đích gì, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào, bảo đảm an toàn xã hội ra sao. Nếu không giải trình được, Chính phủ kiên quyết không phê duyệt cho điều kiện kinh doanh đó xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong Nghị quyết 68, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản có chứa điều kiện kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định bất hợp lý, không cần thiết. Cũng chỉ có cách tiếp cận nêu trên mới giúp mục tiêu này trở thành sự thực.

Hà Lan