Nhịp cầu

Phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:48 - Chia sẻ
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, chất lượng cao theo mục tiêu  Đề án số 07/ĐA-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lào Cai, hàng năm UBND đã trình HĐND thành phố kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể phát triển nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện thâm canh tăng vụ.

Cụ thể, để tăng năng suất các loại cây trồng, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường vận động nông dân tại các khu vực có nhiều diện tích đất trồng lúa tập trung thực hiện cánh đồng một giống. Các diện tích trồng lúa, ngô còn lại đều được người dân trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao và áp dụng khoa học kỹ thuật, vì vậy năng suất cây trồng hàng năm đều tăng. Đối với việc trồng hoa màu các loại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Kinh tế thành phố tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng các mô hình sản xuất mới. Đến nay, có 105ha rau an toàn, 35ha rau công nghệ cao và trên 12ha rau VietGAP.

Để tạo đà phát triển nông nghiệp hàng hóa, thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân tạo ra các mô hình sản xuất mới như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn LongPing (Việt Nam), đưa giống lúa LP1601 vào sản xuất thử nghiệm mô hình 1ha tại xã Hợp Thành, qua đánh giá tổng kết năng suất đạt 71 tạ/ha, năng suất cao hơn việc trồng các giống lúa thuần 13 tạ/ha. Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Anh, xã Vạn Hòa, thu mua và chế biến gạo Sén Cù, nấu rượu kết hợp với nuôi lợn...

Thực hiện chủ trương của thành phố về phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, chất lượng cao đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập 130 triệu đồng/1ha đất canh tác trong năm 2020. Theo đó, nâng cao thu nhập bình quân tại các xã lên 47,8 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Điều cơ bản là nhiều nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm từ sản xuất nông nghiệp thuần nông sang đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, qua giám sát nội dung này, Ban Dân tộc HĐND thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục; đó là các mô hình sản xuất, chăn nuôi hàng hóa còn nhỏ lẻ; việc huy động nông dân góp đất cùng sản xuất hoặc hợp đồng thuê đất đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, đại trà chưa nhiều, vì vậy chưa tạo được chuỗi khép kín từ sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã dần hình thành vùng hàng hóa nhưng sản lượng còn chưa cao; chưa xây dựng được thương hiệu rau sạch của hộ và nhóm hộ trồng rau sạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy chủ yếu mô nhỏ, phân tán. Liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân chưa thực sự chặt chẽ; các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, thủy sản chưa nhiều…

Thực tế trên cho thấy, để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tương xứng với thế mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, đạt sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường... cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng và UBND các xã trong chỉ đạo thực hiện chương trình. Nhất là tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân và tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

ĐẶNG VĂN