Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc

Nhìn từ Thượng Hải

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 10:20 - Chia sẻ
Thượng Hải được xem là địa phương chống tham nhũng quyết liệt nhất Trung Quốc với nhiều cách làm sáng tạo. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chủ trương “nhốt quyền lực vào lồng chế độ”, Thượng Hải đã thực hiện nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt quyền phê chuẩn quyết định hành chính; quyền phân bổ tài nguyên và quyền sử dụng tài sản.

Xóa bỏ tập trung hóa quyền phê chuẩn quyết định hành chính

Với quan điểm “Quyền lực càng công khai, minh bạch thì càng khó xảy ra tham nhũng”, Chính quyền đã ban hành các quy định về việc phân bổ lại quyền lực, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm cho nhân dân. Thực tiễn ở Thượng Hải cho thấy, cơ quan có quyền lực thường sử dụng quyền lực đó đem lại lợi ích cho cơ quan mình. Khi bị kiểm tra, họ đối phó bằng cách, chia quyền lực ra nhiều bộ phận khác nhau; sau khi kiểm tra quyền lực lại tập trung vào một bộ phận. Dẫn đến, doanh nghiệp, người dân phải đi tìm người đứng đầu bộ phận để đút lót. Đối phó với tình trạng này, chính quyền đưa các tiêu chuẩn, điều kiện xin giấy phép kinh doanh lên internet. Nếu doanh nghiệp, người dân nào đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì nhân viên trong bộ phận đó phê chuẩn (không phải qua trưởng bộ phận). Chính quyền thành phố có 45 cơ quan thực hiện phê chuẩn hành chính. Từ khi ban hành tiêu chuẩn và công khai lên mạng thì tham nhũng giảm đi rõ rệt.
 


Các buổi tiệc xa hoa cũng bị nghiêm cấm đối với quan chức
Công khai trong quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản

Đối với vấn đề mua sắm công, trước đây Thượng Hải có một trung tâm mua sắm công chung. Khi một cơ quan (của thành phố) cần mua sắm, báo cho trung tâm tiến hành mua sắm. Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là, thời gian mua sắm kéo dài, giá cả hàng hóa cao hơn thị trường. Giá cả cao ở đây không phải do tham nhũng mà vì mua sắm không khoa học, quan liêu, không kinh tế. Hiện nay, việc mua sắm chuyển sang hình thức mua sắm trên internet, đưa vào mạng lưới mua sắm trên một số trang mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Trong quản lý, sử dụng ngân sách, Thượng Hải thực hiện giám sát nghiêm “3 công”, đó là: Xe công, chiêu đãi công, đi nước ngoài bằng công quỹ và đang được tiến hành thí điểm trong các cơ quan thành phố. Ví dụ: Sở quản lý thực phẩm, dược phẩm Thượng Hải có 17 phòng quản lý ở các quận, huyện mở chung một số tài khoản ở Ngân hàng phố Đông. Bất cứ phòng nào sử dụng kinh phí công thì Sở quản lý cấp thành phố đều theo dõi được. Khi chiêu đãi thì thanh toán bằng thẻ, do vậy, Sở thành phố cũng sẽ biết ngay. Người Trung Quốc quan niệm sử dụng phương thức “máy móc vô tình” để quản lý “con người có tình”.

Thượng Hải cũng áp dụng hình thức “thẻ tín dụng công” trong quản lý, sử dụng kinh phí công. Theo đó, chỉ những trường hợp sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn quy định thì về cơ quan mới thanh toán được khoản kinh phí đã sử dụng. Nếu không đúng quy định thì tự bỏ tiền túi để trả.

Chống tham nhũng trong đội ngũ chống tham nhũng

Thượng Hải thực thi một số biện pháp, như: Dân chúng giám sát đội ngũ cán bộ kiểm tra, thanh tra; cán bộ tự liêm chính; phân tán quyền lực của cán bộ; phân công xử lý vụ án bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên; tiếp nhận và giải quyết một vụ án bằng các tiêu chuẩn được đề ra. Ở Thượng Hải, việc PCTN trong đội ngũ cán bộ làm công tác chống tham nhũng là tốt nhưng vẫn luôn luôn giữ sự cảnh giác cần thiết. Bởi lẽ, quyền lực của UBKTKL ngày càng lớn. Một khi quyền lực càng lớn thì càng dễ xảy ra tham nhũng.

Công khai trong phân bổ tài nguyên

Một điển hình phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai ở Thượng Hải đáng tham khảo là việc thành lập Sàn giao dịch bất động sản Thượng Hải. Được thành lập từ ngày 1.3.2008, phương châm hành động của Sàn giao dịch này là “3 công”, đó là: Công khai, công bằng, công chính.

Là thành phố trực thuộc Trung ương, có 17 quận, huyện, UBND thành phố Thượng Hải và UBND quận, huyện có quyền quyết định chuyển nhượng đất công. Sau năm 2001, bắt đầu tổ chức qua đấu giá. Toàn thành phố có tổng cộng 18 đầu mối, bao gồm; UBND thành phố và 17 quận, huyện. Từ khi Sàn giao dịch bất động sản Thượng Hải ra đời, tất cả giao dịch trên toàn thành phố đều tập trung vào một đầu mối, không cho phép các quận, huyện tự tổ chức đấu giá nữa.

Hoạt động của sàn giao dịch này theo công thức “4 hóa”: Thông tin được minh bạch hóa trên internet; mô đun hóa; phân tán hóa và tiêu chuẩn hóa. Văn phòng công chứng giao dịch và ngân hàng tham gia giao dịch được lựa chọn thông qua đấu thầu (được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ định). Phân tán hóa nghĩa là một người không nắm được toàn bộ thông tin của giao dịch. Theo quy định của UBND thành phố thì tất cả đất đai thuộc sản xuất kinh doanh thì đưa lên Sàn giao dịch, bên cạnh đó cũng có một số loại đất giao dịch theo kiểu cũ (cho các công ty xây dựng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công ích, doanh nghiệp công ích...), hay đất giao để xây dựng các dự án thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục thì giá sẽ rẻ hơn. Những loại đất này chiếm 10% trong tổng số đất công. Theo quy định của Chính phủ Trung Quốc thì ngoài những loại đất như vậy, tất cả còn lại đều đưa vào thực hiện thị trường hóa. Gần đây, Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XVIII) đã đưa ra quyết định: Ngoài đất đai sở hữu của Nhà nước thì đất đai thuộc sở hữu tập thể ở nông thôn cũng sẽ đưa vào các sàn giao dịch nhằm thực hiện thị trường hóa kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong nông nghiệp, nông thôn. Thượng Hải đã đưa ra chủ trương: Nhất thể hóa quản lý đất đai ở thành thị và nông thôn.

TS. Phan Văn Tâm