Nhiệm vụ của Luật Cư trú

- Thứ Ba, 23/06/2020, 05:25 - Chia sẻ
Tư duy chủ đạo của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là gì? Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Mục đích sửa đổi toàn diện Luật Cư trú thì đã rõ - đầu tiên là tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân và tiếp đó là bảo đảm quản lý nhà nước về dân cư.

Nhưng phải đặt câu hỏi như vậy, theo Luật sư Nghĩa là bởi, khi tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân thì yêu cầu quản lý nhà nước về dân cư - ở đây là hàng trăm triệu người, chưa kể người nước ngoài sinh sống tại nước ta - cực kỳ lớn. Nếu không cân bằng được hai mục đích này thì dự luật - dù được đánh giá là có nhiều tư duy đổi mới, tiến bộ - cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Quyền tự do cư trú là quyền hiến định. Từ những mục đích khác nhau, cư trú hình thành nên hai phương thức khác nhau là thường trú và tạm trú. Hai phương thức này có ý nghĩa pháp lý khác nhau và không riêng gì Việt Nam, luật pháp các nước cũng thiết kế theo hướng mỗi phương thức lại gắn với những trách nhiệm và nghĩa vụ khác nhau. Luôn có một cộng đồng thường trú và cộng đồng tạm trú trên địa bàn. Muốn bảo đảm quyền tự do cư trú của người dân thì không thể dùng quy chế đối với cộng đồng thường trú để cản trở cộng đồng tạm trú như thời gian vừa qua, ví dụ như tình trạng người dân làm việc ở địa phương này nhưng vì tạm trú nên con cái không được học hành, không được cung cấp điện nước… như đối với người dân thường trú. Ngược lại, nếu để cộng đồng tạm trú tràn ngập, lấn át thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng thường trú mà dễ nhìn thấy nhất chính là sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng, xã hội, các dịch vụ công…

Cứ nhìn vào thực trạng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là đủ thấm thía áp lực này. Thủ đô Hà Nội mỗi năm tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người, từ đây, áp lực đè nặng lên hạ tầng giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện, bến bãi đậu xe, môi trường… “Thành phố rất chới với và nguồn lực không đủ”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh. Đó cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi dự Luật Cư trú (sửa đổi) muốn bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù để Hà Nội có thêm nguồn lực giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, trong đó có vấn đề cư trú, quá tải hạ tầng.

Dù vậy, làm thế nào để gìn giữ, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân cư trú tại thủ đô chắc chắn sẽ vẫn là vấn đề rất lớn, rất nan giải trong nhiều năm tới. Đó là chưa kể, với việc bảo đảm quyền tự do cư trú của người dân, nếu quản lý nhà nước không theo kịp còn có thể nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nguy cơ về tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh phi truyền thống và nhiều vấn đề khác có thể đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng.

Không một Nhà nước nào được phép từ chối bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền hiến định của người dân nhưng cũng chính vì thế mà càng không được phép quản lý theo kiểu duy ý chí. Quyền tự do cư trú phải đi kèm với trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm môi trường sống an toàn cho cộng đồng. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) dứt khoát phải cân bằng được giữa quyền tự do cư trú của người dân với khả năng đáp ứng, bảo đảm các điều kiện sống của người dân. Không đạt được yêu cầu này thì mục tiêu sửa đổi Luật Cư trú coi như thất bại.

Nội dung của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, tiếc rằng, vẫn chưa tìm được điểm cân bằng đó. Thậm chí, nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Luật còn khiến các đại biểu không khỏi lo lắng. Như đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét “đọc Tờ trình thì ai cũng vỗ tay nhưng đọc kỹ trong dự thảo Luật thì vẫn đang là một mớ hành chính rất lằng nhằng, chồng chéo”.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì e ngại khi “đọc dự thảo Luật vẫn chưa thấy được diện mạo của phương thức quản lý dân cư mới như thế nào”, “đó là chưa kể, với việc mở cửa hội nhập, các khu kinh tế ven biển miễn thị thực… nếu nói đến yếu tố nước ngoài nữa thì thực sự  rất băn khoăn và lo lắng. Nó làm cho cộng đồng dân cư bị rủi ro rất nhiều và nhà nước cũng vất vả rất nhiều để bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn cho xã hội”.

Bởi thế, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tới đây cũng phải nhìn thật thấu đáo và phải tính cho hết mọi khía cạnh tác động mới có thể có một dự luật thật sự tiến bộ và hiệu quả trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm nay.

Lam Anh