Nhân tố định hình bầu cử

- Thứ Năm, 24/09/2020, 07:25 - Chia sẻ
Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đề cử ứng cử viên thay thế cố thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời vì ung thư, thọ 87 tuổi. Theo giới quan sát, tân thẩm phán sẽ là nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử tổng thống ngày 3.11 tới.

Chiếc ghế quyền lực

Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc nghiêm túc 5 ứng cử viên, đồng thời cho biết “phụ nữ sẽ là lựa chọn phù hợp”. Đây là ứng viên thẩm phán thứ 3 mà người đứng đầu Nhà Trắng đương nhiệm đề cử vào Tòa án Tối cao Mỹ kể từ khi nhậm chức. Điều đó sẽ trao cho ông cơ hội củng cố thế đa số của phe bảo thủ tại đây. Hai thẩm phán bảo thủ mà ông đề cử trước đây là ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh, vào năm 2017.

Nguồn: ITN

Nếu người Tổng thống Donald Trump đề cử được Thượng viện thông qua, cán cân tư tưởng tại Tòa án Tối cao sẽ chuyển hẳn sang tỷ lệ 6 - 3 và phe bảo thủ có cơ hội kiểm soát những quyết định quan trọng của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Sinh thời, thẩm phán Ruth Ginsburg là người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến và thường xuyên chỉ trích Tổng thống.

Được biết, Tổng thống Donald Trump mong muốn cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện để chọn tân thẩm phán sẽ diễn ra trước ngày bầu cử tổng thống, bởi “chúng ta có nhiều thời gian để thực hiện việc đó”, đồng thời bác bỏ ý kiến của phe Dân chủ rằng sự kiện này nên được tổ chức sau ngày 3.11. Thực tế, chiếc ghế mà cố thẩm phán Ginsburg để lại đang trở thành đề tài tranh cãi mới giữa lưỡng đảng, bởi nó có khả năng chi phối kết quả bầu cử. Sau ngày bầu cử, giới quan sát nhận định Tòa án Tối cao chắc chắn đối mặt với nhiều câu hỏi pháp lý, bao gồm khả năng xác định ai là người chiến thắng trong kỳ bầu cử “gây tranh cãi nhất” lịch sử xứ cờ hòa.

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống có quyền lựa chọn người đề cử, trong khi Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận hoặc từ chối lựa chọn đó. Tòa án Tối cao Mỹ, nơi đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ như vấn đề phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng... có 9 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời, chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Đây là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp Mỹ, có thẩm quyền tối cao trong việc giải thích Hiến pháp và là tiếng nói quyết định trong các tranh cãi về văn hóa, xã hội và chính trị.

Trong thế kỷ qua, cơ quan này đã đưa ra nhiều phán quyết quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề như chống phân biệt đối xử trong các trường học, hợp pháp hóa quyền phá thai, loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn, công nhận hôn nhân đồng giới… Mới đây nhất, Tòa án Tối cao được yêu cầu cân nhắc mở rộng hình thức bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Câu hỏi bổ nhiệm trong năm bầu cử

Theo New York Times, vị trí trống mới nhất của Tòa án Tối cao là lần thứ hai gần bầu cử nhất từ trước tới nay. Lần duy nhất xảy ra gần hơn là khi Chánh án Roger B. Taney qua đời 27 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1864. Tổng thống lúc bấy giờ là Abraham Lincoln đã trì hoãn đề cử ứng viên Salmon P. Chase cho đến sau khi ông thắng cử.

Khi chỉ còn chưa đầy 45 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, một số câu hỏi quan trọng đã nảy sinh: Liệu có đủ thời gian để thông qua đề cử cuối cùng của Tổng thống không? Và Thượng viện có nên xem xét vị trí thẩm phẩm quá gần bầu cử?

Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, tổng thời gian dành cho quá trình xác nhận của Tòa án Tối cao đã “tăng đáng kể trong suốt hơn 200 năm”. Những thập kỷ gần đây, quá trình trên đã kéo dài đến 2 - 3 tháng. Đơn cử, quá trình xác nhận cho các ứng cử viên Sonia Sotomayor và Elena Kagan của cựu Tổng thống Barack Obama kéo dài lần lượt 66 và 87 ngày, trong khi Tổng thống Donald Trump đề cử ứng viên Gorsuch và Brett Kavanaugh kéo dài 65 và 90 ngày.

Dẫu vậy, hầu hết đề cử của các tổng thống Mỹ cuối cùng đều được xác nhận. Kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ được thành lập, 126/163 ứng cử viên, hơn 77%, đã được xác nhận. Trong bối cảnh chỉ chiếm thiểu số tại Thượng viện, đảng Dân chủ đang sở hữu ít công cụ trong tay hơn để “lật đổ” ứng cử viên của Tổng thống Donald Trump.

Hơn nữa, trong lịch sử, các tổng thống Mỹ đã đề cử ứng cử viên Tòa án Tối cao bất kể đó là năm bầu cử hay không. Nhưng vào tháng 3.2016, sau cái chết của Thẩm phán Antonin Scalia, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối xem xét đề cử ông Merrick Garland của cựu Tổng thống Obama với lý do cơ quan này không xác nhận ứng cử viên trong năm bầu cử kể từ năm 1932.

Vì vậy, phe Dân chủ lập luận, Thượng viện nên từ chối xem xét đề cử ứng viên thay thế thẩm phán Ginsburg trước bầu cử vì tiền lệ phe Cộng hòa đặt ra năm 2016. Theo ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, tổng thống tiếp theo nên là người chọn người kế nhiệm thẩm phán Ginsburg. Nhưng Chủ tịch Thượng viện McConnell (người của đảng Cộng hòa) giờ lại cam kết sẽ đưa ứng viên được Tổng thống Donald Trump đề cử ra bỏ phiếu trước ngày 3.11.

Bà Amy Coney Barrett, 48 tuổi, người được lòng giới bảo thủ, đang được coi là ứng cử viên sáng giá nhất. Từng là giáo sư luật tại đại học danh tiếng Notre Dame, cũng như kinh qua vị trí thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia, bà được Tổng thống Donald Trump giao đảm nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7. Ngoài ra, bà cũng từng là một lựa chọn khi Tổng thống Donald Trump cân nhắc cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho ông Anthony Kennedy năm 2018.

Dù vậy, nếu được chính thức đề cử và được xác nhận, bà Barrett sẽ là Thẩm phán Tòa án Tối cao có ít kinh nghiệm trong phòng xử án nhất, bởi bà mới chỉ làm công việc này từ năm 2017 khi được bổ nhiệm vào Tòa phúc thẩm ở Chicago.

Linh Anh