Nhà xưa, nếp cổ

- Chủ Nhật, 28/04/2019, 11:27 - Chia sẻ
Có thể ví ngôi nhà như một góc bảo tàng sống của nghề gốm sứ Bát Tràng và những tập tục, lề lối ăn ở, sinh hoạt trong một đại gia đình người dân làng nghề qua mấy thế hệ. Tại đây, nghệ nhân Tô Thanh Sơn còn lưu giữ những tác phẩm gốm sứ đặc biệt mà ông sáng tác trong các kỳ lễ trọng đại của Hà Nội.

 “Ngồi bên hiên nhà cổ, nhâm nhi chén trà thoảng hương sen, ngắm giàn mướp hoa vàng lưa thưa soi nắng, nghe tiếng chim cu gáy trầm trầm ấm áp, thật dễ cảm nhận những bon chen giành giật ngoài kia mới vô nghĩa làm sao…”

Đất trời xứ Bắc chiều đầu hạ mà nắng đã ong ong oi bức, khó chịu. Nhưng hễ bước qua cổng gạch mộc màu nâu đỏ già rồi chạm chân đến mảnh sân lát gạch Bát Tràng gồ ghề soi bóng giàn mướp xanh và những bể cây cảnh trầm lặng, ai đó đều cảm thấy dịu mát, thư thái trong cõi lòng. Đó là ngôi nhà của nghệ nhân gốm sứ Tô Thanh Sơn.

Tiếng chim cu gáy hiên nhà vọng lại cùng tiếng đàn gà mổ thóc trên sân, như dẫn hồn người trở về miền quá vãng, thanh bình và yên ấm.

Trước hết, vị chủ nhân ngôi nhà, nghệ nhân Tô Thanh Sơn sẽ mời khách ngồi nghỉ trên bộ ghế tre kê trước hiên nhà uống một vài chén trà. Trà mộc trà hương đều sẵn có. Ấm pha trà thì đủ kiểu dáng. Nhưng mà bộ đồ gốm men nâu già trầm ấm vẫn được ưa thích nhất.

Chủ khách hỏi han trò chuyện đôi ba câu xã giao. Rồi thể nào mọi người đều sẽ cất tiếng khen ngợi không gian và kiến trúc ngôi nhà. Gặp lúc chủ nhân hào hứng, câu chuyện sẽ trở nên rôm rả, vui vẻ bất ngờ. Khách sẽ được chủ nhân kể cho nghe về lai lịch ngôi nhà cổ của gia tộc họ Tô, có cả tấm ảnh cũ ghi dấu đang treo trên tường nhà.

Sau hàng thế kỷ, bão gió nắng mưa đã khiến cho ngôi nhà cũ bị hư hại nặng nề. Và đương nhiên cả câu chuyện nghệ nhân phục dựng ngôi nhà trên nền cũ vài mươi năm trước ra sao, cách kén gỗ, kén gạch, kén ngói, kén thợ thế nào... 

Nhất là sẽ được nhìn tận mắt những viên gạch còn in dấu chân gà, chân chó, chân đám trẻ con nô đùa từ những năm nào đó xa lắc trong quá vãng. 

“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”

Gạch Bát Tràng nguyên ủy vốn không phải người ta làm chúng ra để thành gạch. Thật thế, đó chính là những mảnh sành để bao nung các sản phẩm gốm sứ bên trong như ấm chén, bình lọ, khi cho vào lò nung. Trải qua hàng chục lần sử dụng, có khi còn hơn thế, những mảnh bao nung hơi bị sứt sẹo mới được thải ra để tận dụng làm gạch. Tôi luyện qua hàng nghìn độ lửa rất nhiều lần như thế, chúng trở nên rắn đanh, hơn cả sành già. Gạch Bát Tràng không hề đẹp. Nhưng quý giá thì vô ngần. Người Bát Tràng bây giờ muốn gom đủ số gạch Bát Tràng cũ để xây một ngôi nhà lối cổ, cũng không dễ. Hầu như phải nhặt nhạnh từng đôi ba viên một. Vì kỹ thuật nung gốm Bát Tràng nay đã khác xưa, những tấm bao phơi ấy chỉ còn sót lại đây đó không nhiều.

Có thể ví ngôi nhà như một góc bảo tàng sống của nghề gốm sứ Bát Tràng và những tập tục, lề lối ăn ở, sinh hoạt trong một đại gia đình người dân làng nghề qua mấy thế hệ. Tại đây, nghệ nhân Tô Thanh Sơn còn lưu giữ những tác phẩm gốm sứ đặc biệt mà ông sáng tác trong các kỳ lễ trọng đại của Hà Nội như Kỳ lễ 990 năm và 1000 năm khởi lập kinh thành Thăng Long - Hà Nội... Và cả những tác phẩm về một trong những dòng men rạn mà nghệ nhân đã kỳ công phục hồi sau bao năm làng nghề thất truyền. Những tác phẩm mà từ đó, ông được xét phong danh hiệu nghệ nhân Hà Nội.

Những bức hoành phi câu đối phục cổ cũng là cách thể hiện một xu hướng hồi cố đáng trân trọng của thế hệ cháu con nhằm tôn vinh và tiếp nối những truyền thống lễ nghĩa tốt đẹp của các bậc tiền nhân. Đây cũng là một thú chơi kỳ cầu của chủ nhân các ngôi nhà phục cổ. Quý khách sẽ được nghe vị chủ nhân ngôi nhà giải thích ý nghĩa của các tấm hoành phi câu đối mà các bậc tiền nhân gửi gắm lại cho cháu con muôn thuở mai sau.

Nhà phục cổ sử dụng rất nhiều gỗ, giờ đây, tuyệt đại là gỗ rừng Lào, nhưng cách thức đục chạm, lắp ráp vẫn là cách thức cổ truyền dân tộc.

Không hiểu vì duyên cớ gì, con người ta cứ càng về già, càng nặng lòng hoài cổ. Hay là bởi tại khi đã từng trải qua nhiều thăng trầm đắng ngọt trong cuộc sống, con người ta mới có thời gian để lắng lại và nghĩ suy. Và từ đó mới nhận ra những chân giá trị của cuộc sống. 

      Để rồi đến một lúc nào đó...
      Bất chợt chỉ một gương nước nhỏ sóng sánh,
      Một chùm hoa dại ly ti,
      Một lối ngõ mòn rêu ướt,

 Một mái lá rủ đơn sơ... cũng đủ để đánh động những nỗi niềm tiếc nhớ thẳm sâu, về một khung trời ký ức tuổi hoa niên trong quá vãng không thể nào trở lại.

Thế mà đôi khi những vòng xoáy của cuộc đời một ngày nào đó cũng sẽ đưa người ta trở về chốn cũ một cách rất giản dị.

Ngồi bên hiên nhà cổ, nhâm nhi chén trà thoảng hương sen, ngắm giàn mướp hoa vàng lưa thưa soi nắng, nghe tiếng chim cu gáy trầm trầm ấm áp, thật dễ cảm nhận những bon chen giành giật ngoài kia mới vô nghĩa làm sao…

Xu hướng kiến tạo thêm những điểm du lịch văn hóa mới là các ngôi nhà cổ và phục cổ manh nha hình thành ở Bát Tràng hồi đầu thập niên, và ngày càng rõ nét hơn thời gian gần đây. Đó là một xu hướng đầy triển vọng rất đáng được cổ súy để phát triển mạnh mẽ. Trong đó, nghệ nhân Tô Thanh Sơn là một trong những người đi đầu xu hướng.
Những ngôi nhà Bát Tràng hằng ủ ấp biết bao câu chuyện đáng nhớ về những làng nghề nghìn năm tuổi, về những dòng men cũ và mới, về những kỳ tác gốm sứ Bát Tràng xưa và nay, về làng Bát Tràng trong quá khứ, hiện tại và tương lai...

Tản văn của Vũ Thị Tuyết Nhung