Nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28.7

- Thứ Ba, 28/07/2020, 15:07 - Chia sẻ
Phát thải cục bộ, điều kiện khí tượng và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 28.7.
Chất lượng không khí của Hà Nội xuống mức "rất xấu" trong sáng 28.7

Theo thông tin từ sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, sáng ngày 28.7, chỉ số chất lượng không khí (CLKK) tại các điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội tăng cao, dao động từ 40 - 288. Tại một số trạm quan trắc Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT), Kim Bài có một số giờ chạm ngưỡng “Rất xấu” (màu tím – mức cảnh báo 5/6). Cụ thể, chỉ số CLKK tại điểm Chi cục BVMT dao động trong khoảng 201- 211 (màu tím) từ 8:00 – 10:00h, chỉ số CLKK tại điểm Kim Bài dao động trong khoảng 229 - 288 (màu tím) từ 4:00 – 07:00h.

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: Phát thải cục bộ (hoạt động sản xuất, giao thông…), điều kiện khí tượng (tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm…) và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận.

"Những ngày vừa qua, điều kiện khí tượng cũng có sự thay đổi tương đối có quy luật. Đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.3 – 1.8 m/s), hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày nắng nhẹ, nhiều mây, về đêm nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn Thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Dưới các điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, tích tụ trong lớp không khí này, gây ô nhiễm cục bộ", sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho hay.

Trong sáng 28.7, không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

Cụ thể, đối với điểm quan trắc tại Chi cục BVMT có chỉ số CLKK chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ sáng nay. Khu vực này có mật độ dân cư đông đúc, phát thải từ các hoạt động dân sinh kết hợp với các nguồn thải giao thông từ các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao như đường Trần Duy Hưng (cách khoảng 300m), đường Láng (cách khoảng 500m) đã phát tán một lượng lớn các chất ô nhiễm ra ngoài môi trường. Đặc biệt, đây là khu vực hạ tầng đô thị với các toà nhà cao tầng, các dãy nhà san sát nhau tạo ra nhiều “bức tường” ngăn cách, cản trở sự phân tán các chất ô nhiễm. Thêm vào đó là điều kiện bất lợi của các yếu tố khí tượng: lặng gió, nhiệt độ thấp… đã khiến CLKK tại đây chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ.

Trạm quan trắc Kim Bài, do trạm này gần Quốc lộ 21B – tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, đồng thời, còn là điểm nóng môi trường với những bãi tập kết rác thải sinh hoạt mọc lên san sát, ven đường quốc lộ này, chạy dọc từ ngã 3 Ba La (quận Hà Đông) qua Kim Bài (huyện Thanh Oai) tới thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa). Ảnh hưởng từ các nguồn phát thải từ các hoạt động dân sinh trong khu vực, từ hoạt động giao thông trên QL21B, từ các điểm nóng rác thải bị ùn ứ, các hoạt động đốt rác… cùng với ảnh hưởng bất lợi của yếu tố khí tượng chung cho cả Hà Nội, dẫn đến nồng độ chất ô nhiễm tại điểm này tăng cao, tích tụ trong nhiều ngày trước đó, CLKK chạm ngưỡng rất xấu trong vài giờ sáng nay.

Đến trưa, khi đã có nắng, nền nhiệt độ tăng thì nồng độ bụi có xu hướng giảm, không có trạm nào CLKK chạm ngưỡng rất xấu (màu tím).

Chuyên gia môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: “Từ ngày 27.7, tình hình không khí ở Hà Nội bắt đầu ô nhiễm trở lại. Sáng 28.7, từ khoảng 4-5h sáng chất lượng không khí xuống mức rất tệ. Đây là điều khá hiếm gặp khi Hà Nội đang là giữa mùa hè. Dự đoán ban đầu là do thời tiết thay đổi (nhiệt độ, gió ...) nên bụi không khuếch tán, phát tán đi được”.

Theo VOV