Bạn đọc viết

Người yếu thế giữa tâm dịch

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:34 - Chia sẻ
Đoàn công tác tiền phương của Chính phủ đã rời Đà Nẵng sau 3 tuần căng mình cùng địa phương chống dịch. Những cơ sở y tế, bệnh viện lớn cũng đã hoạt động trở lại, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 cũng dần ít hơn so với lúc bắt đầu trạng thái bình thường mới… Tất cả thông tin đó đang giúp đồng bào cả nước yên lòng hơn, cho thấy Đà Nẵng đã qua đỉnh của dịch bệnh, qua thời điểm khó khăn nhất…

Thời gian tới, ưu tiên số 1 của Đà Nẵng đương nhiên vẫn dành cho phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng đâu đó, có lẽ nhà chức trách cũng đã tính tới việc ổn định kinh tế - xã hội trở lại, bởi Đà Nẵng ổn định không phải chỉ riêng cho đô thị vốn là động lực của miền Trung và Tây Nguyên này.

Đã tròn một tháng từ khi Đà Nẵng bắt đầu cách ly xã hội. Trong suy nghĩ của nhiều người, cuộc sống của nhóm lao động phổ thông sau 1 tháng cách ly và nửa năm ế ẩm. Đây là vấn đề… không hề nhỏ, và trong lúc áp lực phòng, chống dịch nặng nề như hiện tại, một mình chính quyền TP Đà Nẵng chắc chắn khó có thể gánh vác.

Câu chuyện nhóm lao động người đồng bào Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đi bộ cả ngày vượt đèo Hải Vân tìm cách trở về quê mới đây là một ví dụ. Nhóm thợ hồ này chia sẻ, khi đợt Covid-19 lần 1 vãn vãn dịch, họ vào Đà Nẵng làm tại một công trường xây dựng. Được khoảng 1 tháng, chưa kịp nhận lương thì Đà Nẵng bắt đầu cách ly xã hội, công việc tạm ngưng. Họ không thể liên lạc với ông chủ đòi lương, quản lý công trình thì cũng đi cách ly ở đâu rồi, không liên lạc được.

Suốt nhiều ngày liền phải ăn mì tôm, không chịu đựng được nên cả nhóm rủ nhau bỏ về. Vượt qua đèo Hải Vân sang phía Bắc, đang đi men theo đường sắt, gần đến ga Lăng Cô, cả nhóm bị lực lượng chức năng phát hiện. Họ được cho ăn uống, nghỉ tạm một đêm trong trạm, hôm sau lại bị áp tải ngược trở lại Đà Nẵng. Phải đến khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi, Hội đồng hương Nghệ An tại miền Trung mới hỗ trợ và tất cả được trở về nhà, thực hiện cách ly đúng quy định tại địa phương.

Ở mặt vĩ mô, nói nhóm lao động trên có đáng trách không thì đúng là họ… sai. Nhưng như đã đề cập, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng không thể quán xuyến hết, bởi công tác phòng, chống dịch là mới là mối quan tâm hàng đầu.

Trở lại câu chuyện của nhóm công dân thật sự yếu thế trong xã hội này, nói tới lao động ngoại tỉnh, mà bản thân người dân Đà Nẵng cũng không thiếu những trường hợp đang mất phương hướng. Cuộc sống không có tích lũy, hàng ngày chỉ dựa vào cuốc xe ôm của người chồng, chén bún, chén hủ tiếu… của người vợ có lẽ nhiều không kể hết ở thành phố này. Tất cả đều dựa vào làm dịch vụ cho khách du lịch, đời sống du lịch. Họ đang rất khó khăn vì tài chính đầu vào đứt gãy! 

Đà Nẵng là trái tim, là trung tâm kinh tế - văn hóa của miền Trung và Tây Nguyên. Tất cả địa phương đều có rất đông công dân sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Trước tình hình được dự báo là nhu cầu cấp bách và thiết thực trên, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh là những địa phương đầu tiên, mới đây có thêm Quảng Bình đã lên phương án và tổ chức đón thành công công dân của địa phương mình hồi hương.

Công việc đưa đón này trước hết chính quyền các địa phương phải chủ động, bởi Đà Nẵng rất căng thẳng, mệt nhoài vì phòng, chống dịch. Sắp xếp vài chục chuyến xe đến Đà Nẵng đón công dân không phải việc khó, nếu các địa phương cùng thống nhất quan điểm: Đó là việc lớn của mình và là động tác thiết thực chung tay đẩy lùi dịch bệnh!

Nam Anh