Cà phê phin

Người khai sáng

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:35 - Chia sẻ
Nhà sản xuất quyết định đưa tên của nhà văn Agatha Christie cùng tên vở diễn lên bảng hiệu mặt tiền nhà hát. Người này nói rằng điều này sẽ báo hiệu cho sự chấm dứt một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử sân khấu nước Anh (thời kỳ Covid).

1. Ai cũng biết Columbus là người tìm ra châu Mỹ, kết quả của hải trình vĩ đại năm 1492. Thế nhưng châu Mỹ (America) lại được đặt theo tên của một nhà thám hiểm người Ý khác,  Amerigo Vespucci, người đặt chân tới châu Mỹ sau Columbus những 7 năm (1499). 

Lý do: Trong những bức thư được xuất bản năm 1493, Columbus kể về những trải nghiệm của chuyến đi lịch sử, kiểu như "sách du ký" của các phượt thủ nhà mình. Tuy nhiên "sách" của Columbus lại không được nhiều người biết đến, không nổi tiếng bằng những lá thư cũng được xuất bản của Amerigo Vespucci, ghi lại chuyến đi tới châu Mỹ vào năm 1499. Tác phẩm du ký của Amerigo Vespucci trở thành "ấn phẩm bán chạy nhất châu Âu" lúc ấy. Đặc biệt, thứ giúp cho các ghi chép của Amerigo trở nên hấp dẫn hơn Columbus là những câu chuyện phong tục gây tò mò của cư dân bản địa, trong khi Columbus chỉ toàn kể chuyện phiêu lưu. Ngoài ra, chiến dịch vận động (kiểu như PR) cho chuyến đi của Amerigo cũng được đánh giá là hơn Cobumlus nhiều bậc.

Nguồn: ITN

Kết quả thế nào thì đã rõ: Chẳng những Columbus không được đặt tên cho "lục địa mới" mà ông là người châu Âu đầu tiên tìm thấy, mà còn bị triều đình Tây Ban Nha bắt giữ vì cho rằng ông đã làm "mất mặt" Tây Ban Nha trước Bồ Đào Nha trong cuộc chạy đua tìm vùng đất mới. 

Còn Amerigo Vespucci thì được đặt tên cho châu Mỹ. Nhưng rốt cuộc thì ngày nay mọi người biết đến ai nhiều hơn, Christopher Columbus hay Amerigo Vespucci?

2. Trong lúc hàng loạt các anh tài: Paul McCartney, Ed Sheeran, Rod Stewart, Eric Clapton, Coldplay, Sting, The Rolling Stones... (cùng 1.500 nghệ sĩ) ký gửi lá thư kêu cứu lên Chính phủ trước tình trạng nguy cấp của ngành công nghiệp biểu diễn trong đại dịch; trong lúc tất các các nhà hát, sân khấu nước Anh bên bờ vực sụp đổ trước tương lai sẽ phải đóng cửa ít nhất là hết năm 2020... thì có một người sẽ một mình làm điều ngược lại. Đó là Agatha Christie, "Nữ hoàng trinh thám" không chỉ của nước Anh mà còn của thế giới văn học ở thể loại mà bà được vinh danh là "một trong những nhà văn quan trọng và sáng tạo nhất". Mở ngoặc thêm: Theo Sách kỷ lục Guinness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của thể loại trinh thám, và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (chỉ xếp sau William Shakespeare). Ước tính đã có khoảng 1 tỷ bản in bằng tiếng Anh và khoảng 1 tỷ bản in bằng 103 thứ tiếng khác những tác phẩm của Christie được tiêu thụ.

Vậy Agatha làm gì?

Chính xác là vở kịch "The Mousetrap" (Cái bẫy chuột) của bà, hiện giữ kỷ lục vở kịch được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London (diễn liên tục từ năm 1952 tới nay, với 28.200 suất diễn và khoảng 10 triệu vé được tiêu thụ) đã trở thành vở diễn đầu tiên "tuyên chiến" với virus corona bằng việc công bố thời gian biểu diễn trở lại: ngày 23.10 tới đây, tại Nhà hát St Martin.

Để chuẩn bị cho sự trở lại lịch sử này, Nhà hát St Martin với 550 ghế ngồi lên kế hoạch giảm số ghế xuống chỉ còn 2/3, bảo đảm giữ "giãn cách xã hội". Nhà sản xuất quyết định đưa tên của nhà văn Agatha Christie cùng tên vở diễn lên bảng hiệu mặt tiền nhà hát. Người này nói rằng điều này sẽ báo hiệu cho sự chấm dứt một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử sân khấu nước Anh (thời kỳ Covid). 

Đen tối mãi sẽ phải chấm dứt thôi, miễn có người thắp sáng!

Thủy Phạm